Đồng Nai: Ứng dụng công nghệ cao - chìa khóa phát triển chăn nuôi bền vững
Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, chế biến giúp người chăn nuôi nâng cao hiệu quả, năng suất. |
Vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là làm sao để đưa ngành chăn nuôi thoát ra khỏi thực trạng này. Trong số các nhóm giải pháp đã và đang được đưa ra, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được xem là trục dọc quan trọng, căn cơ nhất trong nỗ lực tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm chăn nuôi. Một trong những địa phương có cách làm hay cho vấn đề này chính là tỉnh Đồng Nai.
Đòn bẩy đưa ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững
Nhờ có chủ trương đúng đắn, Đồng Nai đã tăng cường hỗ trợ, định hướng nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiến hành liên kết phát triển vùng, tiểu vùng công nghệ cao nhằm tạo sức lan tỏa, thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia sản xuất, tạo thành một chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Đây cũng chính là một trong những giải pháp đột phá mà ngành Nông nghiệp Đồng Nai quyết tâm sẽ thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Đồng Nai: Ngành chăn nuôi của địa phương phát triển đúng hướng (tăng tỷ trọng đàn gà và tiếp tục phát triển chăn nuôi heo), giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp (53,51%) và thúc đẩy chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế ngành.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, số lượng đàn heo của tỉnh giảm đến nay còn hơn 1,5 triệu con (giảm khoảng 40% so với cuối năm 2018)...
Nhưng cũng chính qua cơn "bĩ cực" này, việc chăn nuôi theo mô hình trang trại với quy mô lớn phát triển mạnh, đến nay chăn nuôi trang trại chiếm phân lớn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tại địa phương cũng đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại: nuôi heo trong chuồng lạnh, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi gà trên thảm sinh học...
Nông dân làm giàu từ ứng dụng công nghệ cao
Nói đến các mô hình làm hay, có thể kể đến xã Tân Hiệp, huyện Long Thành. Về đây không ai là không biết đến trại chăn nuôi heo công nghệ cao của ông Nguyễn Tấn Hậu. Toàn bộ hệ thống gần 20 dãy trại heo đều được ông Hậu gắn điều hòa nhiệt độ và áp dụng dây chuyền cho ăn, xử lí chất thải hoàn toàn tự động.
Ông Hậu cho biết, với hệ thống cho ăn tự động được kiểm soát bằng chíp điện tử, heo có thể ăn nhiều bữa trong ngày, tuy nhiên lượng thức ăn lại được quản lý chặt không để heo ăn dư thừa lượng cám. Nhờ hệ thống đọc số (má vạch cho từng con, có đủ thông số kĩ thuật...) trên tai heo, nếu heo đã ăn đủ khẩu phần trong bữa, máy sẽ không nhả tiếp thức ăn.
Chính điều này không chỉ tiết kiệm đầu vào, hệ thống này còn đảm bảo quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn nái. Hiện bình quân mỗi năm, hơn 1.200 con nái của hai trang trại có thể cung cấp ra thị trường đều đặn 20 ngàn con nái giống, giúp chủ trại thu về một khoản lợi nhuận rất lớn.
Cũng là một trong những nông dân của Đồng Nai giàu lên nhờ sớm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, ông Lâm Thanh Đức (chủ trại gà Thanh Đức, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã xây dựng và phát triển trang trại của mình theo mô hình hoàn toàn khép kín.
Cụ thể, từ quy mô chăn nuôi hộ gia đình, ông Đức đã phát triển thành trang trại ứng dụng dây chuyền sản xuất tự động từ khâu cho ăn đến thu hoạch, xử lý và đóng gói... Trang trại cũng đầu tư hệ thống tự động thu gom phân chế biến thành phân vi sinh, xử lý được mùi và vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Ngoài ra, trại gà của ông Đức đang đầu tư thêm công nghệ để sản xuất phân gà oganic. Ngoài việc giảm được giá đầu vào, chủ động kiểm soát dịch bệnh, việc ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao còn giúp tạo ra đàn vật nuôi có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không tồn dư kháng sinh trên từng con nuôi.
Những năm gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, không chỉ nông dân mà chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để giúp các hộ nông dân đầu tư chăn nuôi theo quy trình này.
Theo thống kê, Đồng Nai hiện có 246 trang trại chăn nuôi heo và 170 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Đối với các tỉnh khác, đây là những con số quá ấn tượng, nhưng nếu đem so với tổng số hơn 2.200 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay, số trại công nghệ cao rõ ràng vẫn còn đang chiếm tỷ lệ khá... khiêm tốn.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, hiện nay Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tập thể và cá nhân hộ nông dân tham gia đầu tư và sản xuất mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, lãnh đạo Sở NN&PTNT Đồng Nai cũng khuyến khích nông dân mạnh dạn tham gia đầu tư sản xuất các mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm tranh thủ những chính sách hỗ trợ này.
Đây chính là hướng đi mới cho quá trình đầu tư, sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả và nâng cao giá trị kinh tế. Đây cũng là một vấn đề quan trọng để giúp nông dân Đồng Nai nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung trụ vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay.