Doanh thu tăng hàng chục lần nhờ Tháng khuyến mại Hà Nội, doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục chuẩn bị hàng Tết
Hầu như các doanh nghiệp đều có sự tăng doanh số trong Tháng khuyến mại Hà Nội 2021. Có những mặt hàng doanh thu tăng hàng chục lần so với trước thời điểm triển khai Tháng Khuyến mại Hà Nội cũng như so với cùng kỳ năm trước.
Qua khảo sát, đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội việc triển khai Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2021 tại một số doanh nghiệp tham gia chương trình này, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội, cho biết, các doanh nghiệp đã nghiêm túc tham gia chương trình, không đặt nặng vấn đề doanh thu, lợi nhuận mà mục tiêu quan trọng nhất là được người tiêu dùng biết đến, góp phần kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Ghi nhận tình hình triển khai hoạt động Tháng khuyến mại Hà Nội 2021, hầu như các doanh nghiệp đều có sự tăng doanh số. Các mặt hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng thực sự thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cung ứng cũng như sự mua sắm của người dân. Có những mặt hàng doanh thu tăng hàng chục lần so với trước thời điểm triển khai Tháng Khuyến mại Hà Nội cũng như so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp phân phối đã đưa ra những chương trình khuyến mại bài bản, với số lượng hàng hóa chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, tại siêu thị điện máy Pico Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đơn vị đã giảm giá từ 15 - 35% cho hàng nghìn sản phẩm, chia đều cho các ngành hàng như điện lạnh, đồ gia dụng, tivi... Riêng một số model, mặt hàng được lựa chọn giảm giá sâu từ 50 - 60%.
Những mặt hàng khuyến mại có lượng tiêu thụ gấp đôi so với thời điểm trước khi triển khai chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội. Đặc biệt là các sản phẩm tạo cú hích với tỷ lệ giảm giá tốt, có doanh thu bán hàng tăng khoảng 10 lần so với thời điểm trước khi diễn ra Tháng khuyến mại Hà Nội 2021.
Việc tạo hiệu ứng lan tỏa khi khách hàng đến không chỉ mua sản phẩm được khuyến mại mà còn mua các sản phẩm khác từ siêu thị. Ghi nhận từ siêu thị cho thấy, doanh số bán lẻ tăng trưởng thời điểm này khoảng 10%, nhưng nhóm khuyến mại tăng khoảng 30%.
Không chỉ kích cầu mua sắm trong Tháng khuyến mại Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ, trung tâm mua sắm cũng đang có những chương trình đặc biệt hấp dẫn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tập đoàn Central Retail cho biết, bước vào dịp cao điểm mùa mua sắm Tết Nhâm Dần 2022, hệ thống siêu thị Tops Market sẽ có hàng nghìn sự lựa chọn bao gồm nhiều sản phẩm cùng nhiều ưu đãi với những chương trình mua sắm giá đặc biệt dành riêng cho thành viên với hóa đơn từ 300.000 đồng.
Trong khi đó, phục vụ nhu cầu mua sắm cao điểm Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hệ thống khối đại siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc sẽ triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm. Hệ thống cam kết không tăng giá bán trong dịp Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh. Các chương trình này được đại siêu thị GO!/Big C áp dụng với hàng ngàn sản phẩm, như: bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu, nước giải khát, đồ trang trí Tết, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, quần áo thời trang.... để thuận tiện cho khách hàng khi mua sắm Tết.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ước tính, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tươi sống sẽ tăng trưởng hơn so với cùng kì năm ngoái. Tính tới thời điểm hiện tại, Big C/GO! nhận thấy nhu cầu của khách hàng đang tăng cao, không chỉ đối với các sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt mà còn ở những dòng sản phẩm mùa vụ tết: đồ khô, bánh kẹo, mứt tết cũng tăng trưởng vượt trội”.
Để đáp ứng cho nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, trung tâm thu mua của GO!/Big C đã đàm phán với các nguồn cung để chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau tết.
Tuân Nguyễn
Doanh nghiệp bán lẻ “kêu” nông sản trong nước khó lưu chuyển hơn hàng nhập khẩu?
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trăn trở, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển nông thuỷ sản bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng nơi sản xuất dư thừa - nơi thiếu hụt hàng hóa.