Nhiều mô hình hỗ trợ người cao tuổi ở Điện Biên
Liên thế hệ giúp nhau
Các câu lạc bộ Liên thế hệ tựu giúp nhau đã có hoạt động hiệu quả, làm điểm tựa cho người cao tuổi ở địa phương. Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã được thành lập từ vài năm nay. Với tiêu chí giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ về vốn, sản xuất, chăm sóc sức khoẻ, người già neo đơn bệnh tật sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ.
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Thanh Lương, Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có hàng trăm hội viên, trong đó 70% là người cao tuổi tham gia trên tinh thần tự nguyện. Qua đó, hội cũng tuyên truyền về các chính sách của người cao tuổi, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi là người già neo đơn, tổ chức các buổi sinh hoạt thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ. Vào ngày mùng 2 hàng tháng, câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt, gặp mặt thăm hỏi nhau cùng chia sẻ động viên nhau trong cuộc sống. Các hội viên cũng được cân đo sức khoẻ, đo huyết áp hàng tháng. Nếu có hội viên huyết áp cao sẽ được tư vấn đến kiểm tra sức khoẻ và uống thuốc đều.
Câu lạc bộ chia thành các tổ từ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi không có nơi nương tựa, tổ tăng thu nhập hỗ trợ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn để mua giống cây trồng, vật nuôi…
Câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động để các thành viên câu lạc bộ tham gia như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng đường hoa, dành ngày công và vật dụng, tiền mặt hỗ trợ các gia đình khó khăn thu hoạch mùa màng, xây dựng nhà cửa. Nhờ đó, giúp người cao tuổi nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, người cao tuổi được sống vui, sống khoẻ, sống có ích.
Mái ấm tình thương cho người cao tuổi
Bà Lò Thị Bản – Tủa Chùa, Điện Biên vừa được chính quyền địa phương cùng với hỗ trợ của một ngân hàng xây cất nóc căn nhà 60 triệu đồng. Ngôi nhà được xây dựng theo chương trình Mái ấm nghĩa tình – An sinh xã hội tỉnh Điện Biên.
Bà Bản là người già neo đơn, sống một mình. Lúc trẻ, bà làm mẹ đơn thân nuôi con. Khi lớn lên các con có gia đình riêng nhưng không ai có đủ điều kiện để xây cho mẹ một căn nhà. Tuổi già, bệnh tật bà Bản vẫn sống trong căn nhà tranh, vách nát. Mỗi mùa mưa gió, mùa đông đến con cái lại lo lắng cho mẹ nhưng cũng đành bất lực vì cái khó bó cái khôn.
Chị Lý Thị Thương, con bà Bản cho biết trước đây mẹ chị sống một mình, hoàn cảnh khó khăn, đi lại cũng không được, lại phải đi xin ăn. Khi được xây dựng nhà tình nghĩa, chị Thương vô cùng xúc động bởi mẹ đã có căn nhà để sống với tuổi già.
Bà Sùng Thị Mỉ, xã Mường Đun, Tủa Chùa, Điện Biên cho biết bà sống một mình, không có con cháu nên không có ai giúp đỡ làm nhà ở. Nhờ có Đảng, Nhà nước bà Mỉ đã được trao tặng căn nhà tình nghĩa. Cả đời của bà đến khi già mới biết đến ngôi nhà cho riêng mình. Nhìn ngôi nhà mới xây dựng, bà Mỉ mừng rơi nước mắt. Từ nay về sau, tuổi già của bà bớt lo lắng đi phần nào.
Chương trình Mái ấm nghĩa tình – An sinh xã hội tỉnh Điện Biên được xây dựng cho các gia đình neo đơn, bệnh tật, người già không nơi nương tựa. Được hỗ trợ 60 triệu đồng/căn nhà, các gia đình nghèo, người già neo đơn đều cố gắng sang sửa lại căn nhà của mình tốt nhất. Những căn nhà cấp 4 ba gian, lợp mái tôn có khả năng chống chịu mưa, gió là niềm mơ ước của hàng trăm người già cả neo đơn huyện Tủa Chùa. Đến nay, huyện Tủa Chùa được phân bổ 366 căn nhà trong đó có nhiều căn dành cho người cao tuổi cô đơn, ốm đau, bệnh tật không người nương tựa.
Từ đầu năm 2022, huyện Tủa Chùa đã thành lập ban chỉ đạo chương trình Mái ấm nghĩa tình – An sinh và các tổ giúp việc phụ trách các xã, thị trấn bình xét các hộ khó khăn để tiến hành xây dựng nhà tình thương cho các đối tượng. Nguồn lực xây dựng nhà được huy động xã hội hoá với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, ngân hàng. Không chỉ riêng huyện Tủa Chùa, chương trình Mái ấm nghĩa tình – An sinh của tỉnh Điện Biên còn tổ chức ở 7 huyện thị, thành phố Điện Biên khác. Đây là hoạt động an sinh xã hội tích cực tạo niềm tin cho người dân của tỉnh.
Khánh Chi