Dịch bệnh khoét sâu thêm đói nghèo, nhiều bé gái châu Á bị ép lấy chồng
Để giảm gánh nặng cho gia đình do những tác động kinh tế từ dịch Covid-19, nhiều bé gái ở châu Á đã bị ép lấy chồng.
Đói nghèo và trình độ giáo dục thấp là những yếu tố khiến nhiều bé gái ở châu Á như Indonesia, Ấn Độ và Pakistan bị ép lấy chồng sớm. Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, số lượng bé gái ở châu Á bị ép kết hôn sớm tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân do nhiều gia đình muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế và nghèo đói.
Laura đã làm vợ và mẹ được 3 năm, nhưng cuộc sống của cô gái này không hạnh phúc. Thực tế, Laura bị cha mẹ ép lấy chồng khi cô mới chỉ 15 tuổi.
“Cháu lấy chồng khi mới 15 tuổi. Cháu từng có ước mơ trở thành một người thành đạt, nhưng giờ cháu lại như thế này”, Laura tâm sự.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, trên thế giới có 12 triệu bé gái bị ép kết hôn trước 18 tuổi hàng năm.
Đi học được xem là con đường tốt nhất để tránh bị ép phải kết hôn bao gồm cả với những bé gái chưa đến tuổi trưởng thành. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng trăm triệu học sinh phải nghỉ học để ở nhà tránh dịch.
“Khi một bé gái hoàn thành chương trình tiểu học, nhiều em không có cách nào để được đi học tiếp vì ở những ngôi làng các bé sinh sống không có trường trung học. Kết quả, các em sẽ phải đi lấy chồng sớm”, ông Tata Sudrajat, nhà hoạt động của chương trình “Save the Children” cho hay.
Dịch Covid-19 còn là nguyên nhân khiến số lượng người rơi vào cảnh thất nghiệp gia tăng nhanh chóng và làm khắc sâu thêm cảnh đói nghèo trong nhiều gia đình.
“Đối với nhiều hộ nghèo trong các ngôi làng, cho con gái đi lấy chồng là một giải pháp để giảm gánh nặng kinh tế. Đáng buồn, nhiều khi phụ huynh cũng không hề quan tâm tới việc con gái mình lấy chồng là người như thế nào”, ông Sudrajat nói thêm.
Số liệu từ Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, 10 năm tới có thể có thêm 13 triệu cô dâu nhí liên quan tới gánh nặng kinh tế do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Indonesia hiện là quốc gia có tỷ lệ bé gái bị ép lấy chồng sớm cao nhất thế giới. Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi chính phủ Indonesia đang phải tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống Covid-19 thay vì tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chương trình kế hoạch hóa gia đình.
Ngoài ra, Ấn Độ cùng một số nước châu Phi cũng đang chứng kiến số trường hợp tảo hôn gia tăng nhanh trong giai đoạn dịch bệnh.
Mới đây, Thời báo Hoàn Cầu cho biết, chính phủ Ấn Độ đang phải giải quyết ít nhất 92.000 vụ việc về quyền trẻ em, mà trong đó có 5.584 vụ liên quan tới nạn tảo hôn của các cô dâu nhí.
Dữ liệu của Childline India Foundation cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1 – 7 năm nay, các cơ quan đại diện của tổ chức này đã đứng ra ngăn chặn 14.775 vụ việc liên quan tới trẻ em bị ép kết hôn ở Ấn Độ.
Số liệu trên trang web Girl Not Brides có liên hệ với hơn 1.400 tổ chức xã hội dân sự cam kết chấm dứt nạn cô dâu trẻ em cho hay, 27% bé gái sinh sống ở Ấn Độ bị ép kết hôn trước khi tổ chức sinh nhật lần thứ 18 và 7% bị ép làm đám cưới trước 15 tuổi.
Trung Quốc: Tàu lượn siêu tốc đột ngột dừng, 20 người mắc kẹt trên không
Khi đang chạy một đoàn tàu lượn siêu tốc đột ngột dừng làm 20 người chơi mắc kẹt trên không ở Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)