Đề và gợi ý đáp án môn Hóa, tiếng Anh, Lịch sử cao đẳng
Xem đề và gợi ý đáp án môn Toán, Địa lý TẠI ĐÂY.
Đáp án các môn thi do thầy cô ở TT luyện thi Vĩnh Viễn (TP.HCM) gợi ý:
Môn tiếng Anh:
Môn Hóa học:
Môn Lịch sử:
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm) Vào nửa cuối những năm 30 của thế kỉ XX, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển gì? Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (7 – 1936) định ra đường lối và phương pháp đấu tranh như thế nào?
Câu 2: (2,0 điểm) Tóm tắt diễn biến chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947. Nêu kết quả và ý nghĩa của chiến dịch đó.
Câu 3: (3,0 điểm) Vì sao Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975? Trình bày diễn biến và ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên (3 – 1975).
II. PHẦN RIÊNG (3,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 4.a hoặc câu 4.b)
Câu 4.a: Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm) Trình bày những thành tựu chủ yếu trong công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX.
Câu 4.b: Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm) Trình bày mục đích, nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc. Nêu vai trò, thành phần và nguyên tắc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
ĐÁP ÁN
I. PHẦN CHUNG (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
* Tình hình thế giới
-Từ đầu những năm 30 của thế kỉ XX, bọn phát xít cầm quyền ở một số nước như Đức, Italia, Nhật Bản ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh thế giới.
-Tháng 7/1935, Quốc tế Cộng sản tiến hành Đại hội lần thứ VII tại Mátxcơva (Liên Xô) xác định kẻ thù của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là chống chủ nghĩa phát xít nhằm mục tiêu đấu tranh giành dân chủ, bảo vệ hòa bình, thành lập Mặt trận nhân dân rộng rãi ở các nước.
-Thực hiện nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, nhiều nước đã thành lập Mặt trận nhân dân. Ở Pháp, tháng 6/1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và lên cầm quyền. Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp đã cho thi hành một số cải cách tiến bộ ở thuộc địa: Thả tự do cho tù chính trị; thành lập Ủy ban điều tra tình hình thuộc địa; thi hành một số cải cách xã hội tiến bộ cho nhân dân lao động ở các thuộc địa.
* Trong nước
-Chính phủ Pháp cử phái viên sang điều tra tình hình, thay Toàn quyền mới, sửa đổi một phần luật bầu cử vào Viện dân biểu, ân xá một số tù chính trị, nới rộng quyền tự do báo chí. Do những chính sách tiến bộ về tự do dân chủ của chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp mà ở Việt Nam một số tù chính trị được trả tự do và tìm cách hoạt động trở lại.
-Lúc này ở Việt Nam, nhiều đảng phái chính trị ra hoạt động, trong đó có đảng cách mạng, đảng theo xu hướng cải lương, đảng phản động… Các đảng tận dụng cơ hội, đẩy mạnh hoạt động, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Tuy nhiên, chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng mạnh nhất, có tổ chức chặt chẽ và có chủ trương rõ rang.
-Do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, thực dân Pháp lại tiếp tục chính sách bóc lột, khủng bố, đàn áp làm cho đời sống của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam đều sa sút, buộc họ phải vùng lên đấu tranh.
-Đảng ta và lực lượng cách mạng đã phục hồi, cách mạng có thêm điều kiện để chuyển sang thời kì đấu tranh mới.
* Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 7/1936)
-Tháng 7/1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Lê Hồng Phong chủ trì, họp ở Thượng Hải. Hội nghị dựa trên nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản và căn cứ tình hình cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh:
s Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh; đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình.
s Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp.
s Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (tháng 3/1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương).
Câu 2: (2,0 điểm)
*Tóm tắt diễn biến chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947:
-Khi địch vừa tiến công Việt Bắc, Đảng ta đã có chỉ thị “phải phá tan cuộc tiến công của giặc Pháp”.
-Trên khắp các mặt trận, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, từng bước đẩy lùi cuộc tiến công của địch.
-Ở Bắc Kạn, quân ta đã chủ động bao vây và tiến công địch ở Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Bạch Thông…, buộc Pháp phải rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã cuối tháng 11/1947.
-Ở mặt trận hướng Đông, quân dân ta phục kích chặn đánh địch trên Đường số 4, tiêu biểu là trận phục kích ở đèo Bông Lao (30/10), đánh trúng đoàn xe cơ giới của địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của chúng. Đường số 4 trở thành “con đường chết”, địch ở vào thế bị động.
-Ở mặt trận hướng Tây, quân ta chặn đánh địch nhiều trận trên sông Lô. Một đoàn tàu chiến địch gồm 5 chiếc, có máy bay yểm trợ, đi từ Tuyên Quang đến Đoan Hùng thì rơi vào trận địa phục kích, bị quân ta bắn cháy hai tàu, bắn hư hai tàu khác. Ngày 10/11, đoàn tàu từ Tuyên Hóa về Tuyên Quang lại bị quân ta phục kích ở Khe Lao, hai tàu chiến, một canô bị bắn cháy, hang tram tên địch bị tiêu diệt.
-Như vậy, hai gọng kìm Đông và Tây của địch đã bị bẻ gãy, không khép lại được.
-Cuộc chiến đấu hơn hai tháng giữa ta và địch đã kết thúc bằng cuộc rút chạy của đại bộ phận quân Pháp khỏi Việt Bắc ngày 19/12/1947.
-Phối hợp với cuộc chiến đấu ở Việt Bắc, quân dân ta trên các chiến trường toàn quốc hoạt động mạnh, đánh kiềm chế không cho địch tập trung binh lực vào chiến trường chính.
*Kết quả:
-Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo toàn. Bộ đội chủ lực của ta đã trưởng thành.
-Quân dân ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến, canô, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
*Ý nghĩa:
-Đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp.
-Với chiến thắng Việt Bắc, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược chuyển sang giai đoạn mới.
Câu 3: (3,0 điểm)
*Vì sao Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975:
-Tây Nguyên là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, mà cả ta và địch đều cố nắm giữ. Nhưng do nhận định sai hướng tiến công của quân ta, địch chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng, bố phòng có nhiều sơ hở. Căn cứ vào đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.
*Diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên:
-Thực hiện kế hoạch, ta tập trung chủ lực mạnh với vũ khí kĩ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên. Trận then chốt mở màn ở Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã giành thắng lợi (trước đó, ngày 4/3, quân ta đánh nghi binh ở Plâyku và Kon Tum nhằm thu hút quân địch vào hướng đó). Ngày 12/3/1975, địch phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành.
-Sau hai đòn đau ở Buôn Ma Thuột (vào các ngày 10 và 12 tháng 3), hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.
-Ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ miền duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng.
*Ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên
-Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn cuối: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Câu 4a: (3,0 điểm)
*Trình bày những thành tựu chủ yếu trong công cuộc khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX.
- Hoàn cảnh:
+ Liên Xô bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ hai với tư thế của người chiến thắng. Nhưng chiến tranh cũng gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho đất nước Xô Viết: khoảng 27 triệu người chết; 1.710 thành phố, hơn 70.000 làng mạc, gần 32.000 nhà máy, xí nghiệp bị tàn phá; đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
+ Sau chiến tranh, các nước phương Tây do Mĩ cầm đầu lại theo đuổi chính sách chống cộng, tiến hành chiến tranh lạnh, bao vây kinh tế Liên Xô. Trước tình hình đó, Liên Xô vừa phải thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế, vừa phải chú ý đến nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh.
- Thành tựu chủ yếu trong công cuộc khôi phục kinh tế (1945-1950):
+ Với tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ, nhân dân Xô Viết đã hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm (1946-1950) trước thời hạn 9 tháng.
+ Liên Xô đã phục hồi nền sản xuất công nghiệp, năm 1947 đạt mức trước chiến tranh.
+ Đến năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp tăng 73% so với mức trước chiến tranh.
+ Một số ngành sản xuất nông nghiệp cũng vượt mức trước chiến tranh; thu nhập quốc dân tăng 66% so với năm 1940.
+ Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, đánh dấu bước phát triển nhanh chóng của khoa học-kĩ thuật Xô Viết, phá vỡ thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mĩ.
- Thành tựu chủ yếu trong xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội (1950 đến nửa đầu những năm 1970):
Từ năm 1950 đến năm 1975, Liên Xô đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.
+ Về công nghiệp: Liên Xô đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nặng như chế tạo máy, điện lực, hóa dầu, hóa chất, thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa. Đến nửa đầu những năm 70, Liên Xô là cường quốc công nghiệp đứng hàng thứ hai thế giới (sau Mĩ), chiếm khoảng 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới.
+ Về nông nghiệp: Trong những năm 60, sản lượng tăng trung bình khoảng 16%/năm. Riêng năm 1970, đạt 186 triệu tấn ngũ cốc và năng suất trung bình là 15,6 tạ/ha.
+ Về khoa học-kĩ thuật: Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Năm 1961, Liên Xô phóng tàu vũ trụ Phương Đông đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin bay vòng quanh trái đất, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Liên Xô đã chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao khoa học-kĩ thuật thế giới ở các lĩnh vực vật lí, khoa học điện tử, điều khiển học, khoa học vũ trụ…
+ Về xã hội: Liên Xô có những thay đổi rõ rệt. Năm 1971, công nhân chiếm hơn 55% số người lao động trong cả nước. Trình độ học vấn của người dân không ngừng được nâng cao.
+ Tình hình chính trị và chính sách đối ngoại: Từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 1970, nhìn chung tình hình chính trị của Liên Xô tương đối ổn định. Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô Viết hoạt động tích cực, có hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân; khối đoàn kết thống nhất giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và các dân tộc được duy trì. Về đối ngoại, Đảng và Nhà nước Xô Viết thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và tích cực ủng hộ phong trào cách mạng thế giới. Liên Xô đấu tranh cho hòa bình, an ninh, kiên quyết chống chính sách gây chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động. Liên Xô giúp đỡ tích cực cho các nước XHCN trong công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vị thế của Liên Xô được đề cao trên trường quốc tế.
Câu 4b: (3,0 điểm)
*Trình bày mục đích, nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hợp Quốc. Nêu vai trò, thành phần và nguyên tắc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
-Mục đích hoạt động của tổ chức Liên Hợp Quốc: duy trì hòa bình và an ninh thế giới; phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
- Nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hợp Quốc: Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).
- Vai trò: là cơ quan giữ vai trò trọng yếu trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
- Thành phần: Hiện nay Hội đồng Bảo an gồm 15 nước: 5 nước thường trực không phải bầu lại và 10 nước không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm.
- Nguyên tắc bỏ phiếu: Mọi quyết định của Hội đồng Bảo an phải đạt được ít nhất 9/15 phiếu, trong đó phải có sự nhất trí của 5 nước ủy viên thường trực là Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc mới được thông qua và có giá trị.
ThS. Nguyễn Việt Hùng
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn TP.HCM)
An Hoàng