Để những con người, sự kiện lịch sử trở thành “bất tử”
Trải qua 77 năm hình thành và phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang, tạo nhiều dấu mốc quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông, công tác bảo tàng đã được quan tâm triển khai khá sớm, với một dấu mốc quan trọng là thành lập Bảo tàng Bưu điện Việt Nam từ năm 1994, nơi trưng bày hàng ngàn tài liệu, hiện vật về các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Lê Học Minh, cán bộ Bảo tàng Bưu điện Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, Bảo tàng Bưu điện Việt Nam chủ yếu phục vụ cho cán bộ công nhân viên chức trong ngành. Phòng Khánh tiết của Bảo tàng là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng như công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự, đại hội chi bộ, đại hội công đoàn, gặp mặt nhân chứng lịch sử, tọa đàm…”.
“Với sự phát triển của công nghệ, chúng tôi đang cố gắng đưa thông tin, dữ liệu của Bảo tàng Bưu điện Việt Nam lên hệ thống online tại địa chỉ http://baotang.vnpt.vn/ để bất cứ ai quan tâm đều có thể xem được ở bất cứ nơi nào có kết nối Internet. Giai đoạn đầu đã có 900 hiện vật được số hóa đưa lên hệ thống trưng bày trực tuyến. Còn rất nhiều hiện vật khác, nhưng để hoàn thiện được một hồ sơ hiện vật cũng kỳ công lắm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện dữ liệu hiện vật cho bảo tàng số”, ông Minh chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, Bảo tàng Bưu điện Việt Nam mới dừng ở phạm vi của một bảo tàng chuyên ngành về bưu chính viễn thông. Trong khi ngành Thông tin và Truyền thông hiện đã phát triển thành một ngành đa lĩnh vực. Bởi vậy, cần thiết phải có một bảo tàng ngành Thông tin và Truyền thông với phạm vi mở rộng hơn, liên quan tới tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành như: bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại…
Đặc biệt, đây phải là một bảo tàng số với cơ sở dữ liệu số nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị lịch sử truyền thống ngành, góp phần giúp các thế hệ mai sau biết trân trọng, tự hào về các thế hệ cha anh trong quá khứ, phát huy truyền thống để hướng tới tương lai.
Tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực phía Bắc nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra ngày 19/8/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc “hơn 2 năm nay, Bộ đã mất rất nhiều công sức xây dựng Bảo tàng số. Anh em vừa làm vừa sáng tạo, với tinh thần có đủ tất mọi lĩnh vực của ngành”.
“Toàn ngành Thông tin và Truyền thông 77 năm qua tính sơ bộ cũng có trên 100.000 người. Công tác nhập liệu mức 1 trên 55.000 người. Tất cả những ai đi qua bộ, ngành Thông tin và Truyền thông đều sẽ được ghi nhận. Bảo tàng mở nên sẽ được cập nhật liên tục. Gia đình qua nhiều thế hệ có thể không còn nhớ, không có tư liệu về ông cha mình, thì có thể tìm đến Bảo tàng số này. Có người nói rằng với Bảo tàng số thì tất cả chúng ta sẽ trở thành bất tử”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý.
Với vai trò thanh niên xung kích, thời gian qua, Đoàn thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham gia rất tích cực vào công tác xây dựng bộ cơ sở dữ liệu của ngành.
Theo Bí thư Đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Anh Cương: “Hơn 5.000 dữ liệu lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức ngành Thông tin và Truyền thông từ năm 2007 đến nay đã được số hóa xong. Khối dữ liệu doanh nghiệp trực thuộc Bộ (khoảng hơn 18.000 đơn vị thông tin) đang được triển khai và nhập liệu gấp rút. Khó khăn nhất là khối dữ liệu cán bộ ngành Thông tin và Truyền thông từ năm 1945 tới nay với tiền thân là các bộ, ngành với những tên gọi khác nhau như: Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Bộ Tuyên truyền, hay Ban Giao thông chuyên môn, Tổng cục Bưu điện…”.
Cũng theo Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Thông tin và Truyền thông là việc làm khó, đòi hỏi sự tìm tòi tra cứu thông tin, sự tỉ mỉ trong công tác nhập liệu, sự chỉn chu trong phân loại dữ liệu, và đặc biệt là phải tiên phong ứng dụng công nghệ trong số hóa thông tin và tổng hợp.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang giữ trọng trách là đơn vị dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Việc tiên phong xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành Thông tin và Truyền thông như một quyết tâm chính trị thể hiện sự tiên phong trong chuyển đổi số, đồng thời là việc làm tri ân có ý nghĩa thiết thực đối với các tiền bối đã từng cống hiến và xây dựng nên Bộ Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ.
“Trong bảo tàng số có một mục dành riêng cho các anh hùng liệt sỹ, ghi nhận tất cả các anh hùng liệt sỹ của ngành Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ. Chúng ta có thể nhìn thấy phần mộ của họ ở trên không gian số với đầy đủ ảnh, phần mộ, vị trí nghĩa trang giống như các phần mộ liệt sỹ trên toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. |
Việt Hoàng - Xuân Bách