Dạy con tham gia mạng xã hội an toàn, văn minh
Trên thế giới mạng, trẻ em dễ gặp phải thông tin không phù hợp, thông tin tiêu cực, những hình ảnh, video phản cảm.... Những thông tin này đa phần xuất hiện ngoài ý muốn của trẻ em, hoặc ngay cả những thông tin trẻ em cố tình tìm kiếm nhưng kết quả lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Mạng internet còn đưa đến môi trường sống ảo khiến nhiều trẻ em lựa chọn cuộc sống ảo, trở nên cá nhân hơn, ít bị giám sát. Điều đó gây ra những khó khăn, trở ngại trong quá trình định hướng, bảo vệ con của các bậc cha mẹ.
Tiếp xúc với mạng internet khi không có sự kiểm soát của người lớn, các em còn dễ bị lôi kéo chạy theo các thần tượng ảo, tham gia các trào lưu xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Chị Ngô Thanh Hương (Lào Cai) cho biết: “Việc con có tài khoản Facebook từ khi học lớp 4 đã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Con nói tạo tài khoản là để xem thông tin về trường lớp và chat với bạn bè. Tuy nhiên, khi vào tìm hiểu, tôi giật mình và lo lắng khi thấy con có khá nhiều bạn thanh niên, trong đó có cả những người nước ngoài ăn mặc hở hang. Khi tôi hỏi thì con bảo hễ ai gửi lời mời kết bạn là con đồng ý.
Tôi thật sự lo lắng vì bọn trẻ dùng mạng xã hội quá sớm và không thể quản lý được hết những gì con sử dụng. Trẻ hay tò mò nên cứ bạn này có thì bạn khác cũng có, nhiều bạn không có điện thoại thì la cà ở các quán internet. Đặc biệt khi đọc những chia sẻ, bình luận của các con, tôi không thể yên tâm được.
Tôi thường trao đổi với con nên "like" (thích) hoặc "share" (chia sẻ) nội dung nào, đưa ảnh gì, nên kết bạn với những ai.
Tôi cũng dặn con tham gia môi trường mạng phải văn minh, lịch sự và đặc biệt cảnh giác với nhiều chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo. Với bọn trẻ, nếu không theo kịp để hướng dẫn thì các con rất dễ phát triển lệch lạc”.
Tại trường THCS Lê Hồng Phong (Lào Cai), thầy Bùi Hồng Sinh – Phó Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã thành lập Tổ công tác về chuyển đổi số gồm 26 thành viên, trong đó nhà trường tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là mỗi giáo viên sử dụng thành thạo ít nhất một phần mềm dạy học và làm được ít nhất hai đồ dùng dạy học số, mỗi môn học có ít nhất 1 bài kiểm tra thường xuyên bằng hình thức trắc nghiệm và có 2 bài tập trong tuần giao trên hệ thống trực tuyến Vioedu.
Ngoài ra, THCS Lê Hồng Phong cũng chú trọng truyền thông giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn để các em tự bảo vệ mình, kịp thời tố giác hành vi xâm hại trên môi trường mạng, đặc biệt là kỹ năng chia sẻ, cầu cứu với người thân nếu gặp sự cố trên không gian mạng.
Hoàng Thanh