Dạy con đối diện với “body shaming”
Tôi giúp con chuẩn bị sẵn sàng câu trả lời và nhất là chuẩn bị một thái độ vững vàng, như khoác trên mình một lớp áo bảo vệ.
Với tôi, Jada Pinkett Smith - vợ nam diễn viên Will Smith là một người phụ nữ mạnh mẽ, đáng ngưỡng mộ.
Nữ diễn viên 50 tuổi từng tiết lộ vài năm trước rằng cô bị rụng tóc nặng. Cô chia sẻ: “Tới thời điểm này, tôi chỉ còn biết cười. Các bạn biết rằng tôi đã vật lộn với chứng rụng tóc từ vài năm nay, bây giờ sẽ rất khó cho tôi để có thể tìm ra giải pháp nào nữa, nên tôi nghĩ tôi sẽ chia sẻ với các bạn để mọi người dần thấu hiểu và sẽ không hỏi tôi thêm câu nào nữa”.
Jada tự tin với mái đầu của mình nên không cần tới tóc giả |
Con gái tôi có vóc dáng nhỏ bé. Dù 7 tuổi, nhưng chiều cao và cân nặng chỉ bằng bé 5 tuổi. Đi đâu, gặp ai cũng đều rất thường xuyên nghe những câu như: “Bé thế”; “kén ăn lắm à”; “lớp Hai mà nhìn như mẫu giáo vậy?”.
Giống như tôi hồi nhỏ, người lớn hay bảo tôi “khôn quá không chịu lớn” “nhà bán thuốc mà sao không chịu uống thuốc bổ vào?”. May mà tôi không mập. Chứ mập thì bây giờ có khi lại bị bảo “ăn hết của con à?”.
Khi con đến trường, con tôi bắt đầu phải đối diện nhiều hơn với những câu hỏi về ngoại hình. Vào mỗi bữa cơm tối tôi đều nghe bé kể rằng “bạn C nói con nên về lại lớp mẫu giáo để học đi”; “chị X. lớp 5 gặp con trong thư viện là hay bế bổng con lên, nói con giống búp bê.
Tôi hỏi mỗi khi ai nói con “sao bé thế” con nói gì, bé kể: "Con nói giống mẹ, con hay trả lời người ta: “tại con biếng ăn”. Con không buồn, con chỉ không muốn người ta hỏi nữa. Con trả lời nhiều lắm rồi!".
Trước đây, tôi cũng chỉ nghĩ giống Jada, là mong mọi người sẽ hiểu và không hỏi thêm câu nào nữa. Giống như hai bên nội ngoại, các cô, các bác, các cậu, các dì, anh em họ của con tôi ai cũng hiểu bé có chứng biếng ăn từ nhỏ nên không ai hỏi nữa.
Mọi người tìm kiếm những điểm khác biệt đáng khen để động viên con bé. Bác nó mỗi lần gặp đều bảo bé nói chuyện rất thông minh và óc quan sát tốt. Vợ chồng tôi rất thoải mái khi đến thăm anh em vào mỗi dịp cuối tuần. Cảm ơn ông bà nội ngoại không đặt gánh nặng tâm lý cho vợ chồng tôi.
Cô chủ nhiệm lớp con gái tôi gọi bé là “Chích chòe ơi!". Tôi hỏi con có thích cô gọi con như vậy không, thì bé nói thích, vì đó là con chim nhỏ bé nhưng có giọng hót rất khỏe và lảnh lót. Cô nói con tuy nhỏ bé nhưng rất giọng rất khỏe, đọc bài to rõ. Tôi nghe mà thấy vui, muốn cảm ơn cô vì cô hiểu và quan trọng là cô động viên, khích lệ bé tự tin, không rụt rè vì ngoại hình nhỏ bé của mình.
Nhưng cuộc sống là những mối quan hệ mới xây dựng liên tục. Con sẽ gặp những người mới, bạn bè mới. Không phải ai cũng hiểu để không hỏi nữa. Chắc chắn con sẽ tiếp tục gặp những câu hỏi như vậy. Vậy thì phải đối diện với nó như thế nào?
Hỏi thăm về sức khỏe, vóc dáng, đầu tóc, làn da gần như là một nét văn hóa Á Đông. Tùy vào mức độ thân thiết mà những câu hỏi sẽ được người tiếp nhận đánh giá là quan tâm đáng yêu hay là tọc mạch đáng ghét. Nên tôi dạy con nếu như phải đối diện với những câu hỏi quen thuộc, hãy đáp lời như một thói quen. Như hít và thở ra. Không suy nghĩ, không bận tâm nhiều.
“Sao con gầy thế” - "Dạ vì con biếng ăn".
“Sao bé tẹo thế kia” - "Dạ chắc là vì con chưa lớn"....
Tôi nói với con rằng vì người ta quan tâm nên mới hỏi mà thôi và ngoại hình nhỏ bé lại có khi là điều làm cho con trở nên đặc biệt. Con luôn đứng đầu hàng, con luôn ngồi bàn đầu, thầy cô đều biết và nhớ tên con.
Tôi hỏi con, mọi người có nhận xét gì về con, con nói rằng cô giáo nói con nhỏ nhưng mà lanh lắm nên cô cho làm lớp trưởng giúp cô canh lớp; cô Âm nhạc nói con nhỏ nhưng mà hát hay và to rõ nên cô chọn con hát văn nghệ ở trường; thầy thể dục cũng nói con nhỏ nhưng mà nhanh nhẹn và nhảy cao nên thầy chọn con và một số bạn quay clip bài giảng cho thầy; các bạn trong nói nói con nhỏ nhưng mà dễ thương…
Vậy nên tôi xây dựng hệ giá trị đằng sau đặc điểm về ngoại hình của con: nhỏ, nhưng mà… Cái nhưng mà là cái quan trọng để giúp con tự tin át đi sự tự ti. Và dường như khi hoạch định được tư duy này, cả con và tôi đều như mở được cánh cửa lạc quan.
Thay vì cứ buồn, hoặc mong người ta đừng hỏi (không có chuyện đó đâu, khi hỏi thăm đã là một nét văn hóa ăn sâu), hãy chuẩn bị sẵn sàng câu trả lời và nhất là chuẩn bị một thái độ vững vàng, như khoác trên mình một lớp áo bảo vệ vậy.
Con chim chích choè của tôi không tự ti về ngoại hình nhỏ bé nữa |
Trước đây tôi nghĩ rằng nếu sau này con tôi vẫn nhỏ bé như thế thì sẽ cho con mang giày cao gót và mặc những bộ đồ có thể “ăn gian” chiều cao. Nhưng giờ tôi nghĩ quan trọng vẫn là bé lựa chọn cách gì? Che giấu để người ta không hỏi hay “phơi bày” và xây dựng những hệ giá trị khác để tạo “thương hiệu cá nhân”.
Giống như Jada, sau khi chọn cách buộc khăn, đội tóc giả đã quyết định cạo trọc đầu và chấp nhận đã đến lúc từ bỏ vẻ đẹp đến từ mái tóc. Nhưng từ khi ấy, mọi người lại thấy rõ những đường nét xinh đẹp trên khuôn mặt và nể phục cách mà cô đối mặt với bệnh tật.
'Hy sinh vì nghệ thuật' cho con trai vẽ tranh, ông bố 'sốc tận óc' khi nhận thành phẩm!
Chiều theo sở thích của con nên ông bố có hy sinh một chút cũng không sao!
Theo www.phunuonline.com.vn