Đang ăn cơm, người đàn ông lịm dần và hôn mê
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương trong những ngày gần đây, tỉ lệ bệnh nhân tai biến mạch máu não tăng mạnh, đa phần đều nhập viện trong tình trạng chuyển biến nặng.
Ngày 29/11, Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương đã tiếp nhận nam bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, Glassgow 6 điểm, mắt nhắm, không nói, cử động không tự chủ.
Đồng tử 2 bên co nhỏ khoảng 1mm, Sp02 không oxy 37%, huyết áp: 220/100. Kết quả chụp CT sọ não: xuất huyết vùng thân não gây chèn ép và phù mô não xung quanh, lan vào não thất tầng trên và dưới lều.
Người nhà bệnh nhân cho biết khi đang ăn cơm bệnh nhân đột ngột lịm dần và được đưa đến trạm xá cấp cứu nhưng không tiến triển, bệnh nhân được chuyển ngay bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán: Xuất huyết não – não thất.
Trao đổi với Infonet, PGS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hồ Chí Minh - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết hiện số lương bệnh nhân cấp cứu trong giờ vàng ở Việt Nam thấp.
Tại BV 115 tỷ lệ này dưới 20 % tương đương chỉ dưới 20% bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với các phương pháp điều trị đột quỵ tiên tiến nhất hiện nay như tiêm thuốc tiêu sợi huyết, lấy cục máu đông.
Vì vậy, cấp cứu muộn gây thiệt thòi cho bệnh nhân. Tỷ lệ đến bệnh viện còn thấp trong giờ vàng do người dân còn ít sự hiểu biết. Nhiều người dân còn quan niệm đột quỵ như trúng gió.
PGS Thắng gặp nhiều trường hợp thấy người thân đột quỵ người nhà còn sơ cứu theo cách dân gian như cạo gió, vắt chanh vào họng, châm ngón tay, lấy kim đâm vào tai để sơ cứu. Nhưng đây là điều tuyệt đối không nên làm mà tranh thủ thời gian đưa ngay đi cấp cứu.
Hạn chế khiến bệnh nhân đột quỵ tới viện muộn đó là do hệ thống xe chuyên dụng cấp cứu của chúng ta chưa đảm bảo nhu cầu cấp cứu của người bệnh.
Bệnh nhân đến cấp cứu tại BV Nhân dân 115, TP.HCM 90% là bệnh nhân đi cấp cứu bằng taxi, xe cá nhân. Điều này làm kéo dài thời gian cấp cứu, người bệnh đến bệnh viện tự phát, không đến đúng nơi cấp cứu đột quỵ.
Bệnh viện lại mất thời gian chờ cấp cứu, khám xét tốn thêm thời gian. Vì vậy, cấp cứu đột quỵ người bệnh cần đến nơi có thể cấp cứu được.
Trong phát triển các đơn vị đột quỵ, PGS Thắng cho biết hiện có 90 trung tâm đột quỵ nhưng không đáp ứng đủ với điều kiện của Việt Nam như hiện nay.
Mốc giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ 4-5 giờ nhưng đây là trong thời gian kim tiêm phải đưa thuốc vào bệnh nhân chứ không phải 4-5 tiếng đến cổng bệnh viện.
Mốc giờ vàng thứ hai trước 6 h đầu sau khi cơn đột quỵ xảy ra người bệnh phải được cấp cứu lấy cục máu đông với đột quỵ nhồi mạch máu não.
Nhận biết đột quỵ phải nhanh để có thể đưa bệnh nhân tới bệnh viện trong thời gian sớm nhất dựa vào dấu hiệu Fast:
Quy tắc F.A.S.T (nhanh) nhận biết và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ như sau:
- Face (Khuôn mặt): Mặt méo mó, cảm giác tê, cứng. Khi cười mặt méo mó rõ hơn.
- Arm (Tay, chân): Tê mỏi một bên tay, vụng về trong những thao tác. Chân đi dễ bị vấp té, bước đi khó khăn.
- Speech (ngôn ngữ/lời nói): Một số người đột quỵ khó nói, nói đơ, môi lưỡi cứng lại, nếu yêu cầu nói một câu đơn giản ngắn gọn thì dễ phát hiện.
-Time (Thời gian): Đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200 nghìn ca đột quỵ và đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến cáo tỷ lệ này sẽ tăng dần lên và đột quỵ còn đáng sợ hơn cả ung thư vì nó gây ra những cái chết đột ngột cho người bệnh.
K.Chi