Đắk Nông: Phát triển hệ thống giao thông góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Những năm qua, chính quyền và nhân dân Đắk Nông đã đồng lòng, chung tay phát triển hệ thống giao thông, góp phần xây dựng nông thôn mới, phục vụ hiệu quả cho việc sản xuất và kết nối giao thương.
Thoát cảnh đường đất lầy lội
Đắk Glong là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Những năm trước, hầu hết người dân trên địa bàn huyện này đều phải “vật lộn” với những con đường đất chằng chịt ổ voi, ổ gà, thường xuyên lầy lội vào mùa mưa để ra đồng, lên rẫy.
Thế nhưng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hiện bộ mặt giao thông nông thôn tại huyện Đắk Glong đã có diện mạo mới. Điển hình cho sự phát triển về giao thông nông thôn của huyện Đắk Glong là tại xã Quảng Khê.
Xã Quảng Khê có 27 dân tộc anh em cùng sinh sống, chỉ tính riêng người dân tộc thiểu số đã có 3.442 khẩu (chiếm 25,51% dân số).
Cách đây 10 năm, xã Quảng Khê bắt tay xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp vì đời sống dân cư nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Hơn thế, với điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh, dân cư phân bố phân tán nên việc bố trí sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốn kém, gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, chính quyền và người dân xả Quảng Khê đã đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong chặng đường 10 năm qua, xã Quảng Khê đã đầu tư xây dựng được 35 công trình giao thông, cứng hóa 83,05km/8h5,45km đường giao thông thôn thôn, chiếm tỉ lệ 97,19%.
Giao thông nông thôn tại xã Quảng Khê được đầu tư, phát triển giúp thay đổi diện mạo nông thôn mới. |
Cuối năm 2020, xã Quảng Khê đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với những kết quả nổi bật như: Thu nhập bình quân đạt 41,48 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,77%.
Tháng 7/2021, xã Quảng Khê vinh dự đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Đắk Glong.
Nói về lợi ích khi chính quyền chú trọng xây dựng nông thôn mới, ông Điểu K’rang (ngụ Bon Phi Mur, xã Quảng Khê) phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, đường đất lầy lội, thương lái ngại đến, bà con làm ra sản phẩm cũng trầy trật mới vận chuyển ra đến trung tâm xã để bán. Nhờ các cấp chính quyền quan tâm, bà con cũng ý thức hơn trong việc xây dựng nông thôn mới nên đường sá dần dần được bê tông hóa. Từ khi có đường bê tông, nông sản người dân làm ra dễ vận chuyển, việc giao thương, mua bán với nơi khác cũng thuận lợi hơn”.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông
Tại huyện biên giới Tuy Đức, những năm qua xã Đắk Búk So nổi lên như một điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường, phát triển hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, nhận thấy giao thông là “đòn bẫy” để phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh kiên cố hóa các tuyến đường trên địa bàn, tạo điều kiện để việc giao thương, buôn bán, đi lại của thương lái, người dân được thuận lợi.
Cũng theo ông Anh, những năm qua địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi từ nhiều nguồn lực, nguồn vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông. “Hiện nay, tiêu chí về giao thông trên địa bàn xã đạt trên 60%, đảm bảo cho giao thông nội vùng và liên vùng. Đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn cũng dần được nâng cao, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm”, ông Anh trao đổi.
Lái xe công nông chạy bon bon trên tuyến đường bê tông thẳng tắp, mới toanh của xã Đắk Búk So, ông Nguyễn Văn Chiến phấn khởi chia sẻ: “Đường sá phát triển, dân chúng tôi sướng nhất là nông sản dễ tiêu thụ hơn. Trước đây đường xấu, lầy lội nên thương lái ít vào. Hơn thế, bà con chúng tôi cũng khỏe hơn nhiều trong việc ra đồng lên rẫy vận chuyển nông sản, không phải bì bõm đánh vật với ổ voi ổ gà như trước”.
Theo thống kê của UBND huyện Tuy Đức, những năm qua địa phương đã ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, huyện đã huy động hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông vùng nông thôn; người dân hiến hơn 4 ha đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động tham gia làm đường giao thông.
Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa được 362,49 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, đường xã cứng hóa 64,7 km; đường liên thôn, bon, ngõ xóm 285,49 km; đường trục chính nội đồng khoảng 12,3 km. Hiện, 100% số thôn, bon trên địa bàn huyện Tuy Đức đều có từ 1 - 2 km đường bê tông…
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, hiện nay toàn tỉnh đã có 29/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 48,3%). Bình quân mỗi xã đạt 15,78 tiêu chí; không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Riêng về tiêu chí đường giao thông (tiêu chí số 2), đã có 41/60 xã hoàn thành, đạt 68,3%.
Ông Phan Văn Sinh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông cho biết, đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 47,79 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,52%.
Cũng theo ông Sinh, dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, dịch bệnh, nhưng tỉnh quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí/xã.
Hiện tại, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và ngày càng bền vững, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. “Địa phương phấn đấu năm 2022 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân chung mỗi xã đạt từ 16,5 tiêu chí/xã”, ông Sinh chia sẻ.
Trần Nhân