Đài Loan: “Số người chết vì cúm H7N9 nhiều hơn SARS”
Thịt gia cầm được kiểm soát chặt chẽ trong các siêu thị tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc |
Hôm 26/4, Huang Li-min – Trưởng Khoa Nhi các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học quốc gia Đài Loan cho biết những người không may nhiễm phải virus H7N9 thường nhanh chóng phát bệnh. Tỷ lệ tử vong do nhiễm virus H7N9 là trên 10%.
“Tỷ lệ tử vong do nhiễm virus H7N9 cao hơn cả virus gây bệnh SARS”, ông Huang nói. Trong khi, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ tử vong do nhiễm coronaviru gây bệnh SARS chỉ là 8%.
Theo thông tin trên website của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, Trung Quốc hiện có 114 người nhiễm H7N9, trong đó 23 bệnh nhân đã tử vong tính tới 6 giờ tối ngày 26/4. Theo đó, tỷ lệ tử vong vì nhiễm virus H7N9 đã tăng lên khoảng 20%. Tuy nhiên, báo cáo của Đại học Hồng Kông cho rằng khả năng gây tử vong của virus H7N9 chỉ có thể cao hơn 10% một chút.
Trung Quốc lần đầu tiên thông báo các ca nhiễm virus H7N9 trên người vào ngày 31/3. Kể từ đó, số người mắc bệnh và tử vong vì virus này đã không ngừng tăng và lây lan sang nhiều khu vực tỉnh thành trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Trước đây, virus H7N9 chỉ được phát hiện trên các loài gia cầm.
Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm đầu tiên tại Đài Loan là một người đàn ông 53 tuổi, bị sốt cao và mệt mỏi hôm 12/4 sau 3 ngày trở về từ tỉnh Giang Tô – một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc.
Nam bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Đại học quốc gia Đài Loan hôm 20/4 và nằm trong phòng điều trị cách ly. Thậm chí, bệnh nhân còn được chữa bệnh theo phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Hiện sức khỏe bệnh nhân còn rất yếu song đã ổn định để các bác sĩ theo dõi.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm - Chang Shang-chun, trước đây, bệnh nhân Đài Loan đầu tiên nhiễm SARS cũng từng được các bác sĩ áp dụng phương pháp ECMO trong quá trình điều trị.
“Bệnh nhân nhiễm SARS ở trong tình trạng vô cùng nguy kịch song chưa tới mức dùng tới phương pháp ECMO. Nhưng nam bệnh nhân 53 tuổi đã được điều trị bằng phương pháp này cho thấy virus H7N9 nguy hiểm hơn cả SARS”.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh gần đây, Keiji Fukuda – trợ lý Tổng giám đốc chịu trách nhiệm về y tế, an ninh và môi trường của WHO cho biết virus H7N9 được xác định là một trong những loại virus có khả năng gây tử vong cao nhất.
Hôm 26/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh trung ương Đài Loan đã quyết định nâng thời gian theo dõi các ca nghi nhiễm và phơi nhiễm virus H7N9 từ 7 ngày lên 10 ngày.