Đa dạng cách bán hàng giúp các sản phẩm OCOP Phú Thọ ‘bay’ xa
Tỉnh Phú Thọ hiện có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh. Trong số đó, có 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 30 sản phẩm hạng 4 sao.
Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2022/12/1/ocop-1-735.jpg?width=0&s=HkdaSOLF6SduA0zMahKwew)
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn, chương OCOP phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Thông qua thực hiện chương trình, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Do vậy, tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Phú Thọ là tỉnh có nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú, mang tính đặc trưng, đặc sản với nhiều lợi thế để triển khai Chương trình OCOP mang bản sắc riêng. Nhắc đến các đặc sản ở Phú Thọ nhiều người biết ngay đến bưởi Đoan Hùng, thịt chua, chè xanh, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, khoai tầng vàng, cá sông Đà, gà nhiều cựa...
Sản phẩm làm ra tốt nhưng để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP cũng như nông sản nói chung của tỉnh.
Qua đó, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Không chỉ bán lẻ tại các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống siêu thị, các điểm bán hàng Việt tại các huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch lâu dài để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm, đưa những sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Hợp tác xã chè an toàn Long Cốc hiện có ba sản phẩm đạt chứng nhận bốn sao là chè xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Shan Tuyết.
Theo bà Phạm Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Long Cốc, kênh thương mại điện tử giúp hợp tác xã giới thiệu, quảng bá, đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong nước, khác với kênh bán hàng truyền Theo đó, ngoài việc bán hàng qua fanpage, hợp tác xã đã xây dựng phần mềm bán hàng tích hợp với nền tảng số. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến hơn.
Đại diện Công ty cổ phần Đất Việt Xanh là đơn vị được UBND tỉnh Phú Thọ giao tổ chức trưng bày, bán sản phẩm cũng đã tận dụng những dịp diễn ra sự kiện lớn có nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Phú Thọ để giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó, tăng cường quảng bá, kết nối với người tiêu dùng và giúp người mua nhận diện được sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Phú Thọ.
Cùng với việc giới thiệu đó, Công ty cũng thực hiện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng có thể mua hàng thuận lợi hơn.
Theo kế hoạch, năm nay tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên. Phấn đấu có ít nhất 40% sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, hình thành chuỗi, có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả kinh tế, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; hỗ trợ xây dựng thêm 1 - 2 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tua, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho rằng, tỉnh cần tập trung hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ truyền thông qua nhiều kênh để tiếp cận nhanh chóng với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Khôi Nguyên