Cuối năm, cảnh giác với rượu không rõ nguồn gốc
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm cho biết những ngày gần đây hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu liên quan đến ngộ độc rượu.
Trong số này có trường hợp N.T. H (25 tuổi, quê Tuyên Quang) là điển hình. Thanh niên 25 tuổi này nhập viện trong tình trạng hôn mê phải sử dụng ống thở sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bệnh nhân H. là điển hình của ngộ độc rượu, khi nhập viện chỉ số đường huyết giảm còn 0,7 mmol/l, trong khi với người bình thường chỉ số này là trên 4 mmol/l.
Thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, có trường hợp tử vong. Cuối tháng 11, tại Lâm Đồng xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 6 người đi cấp cứu, trong đó có 2 người tử vong.
Tương tự, tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra một vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 14 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong.
Tại TPHCM, trong tháng 8/2022 liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu khiến 13 người nguy kịch, trong đó có 2 người tử vong.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, nhất là nhu cầu sử dụng rượu tăng cao vào dịp cận Tết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%; rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết trong năm 2022, thành phố xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm, đã được điều tra và xử lý kịp thời.
PGĐ Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, các vi phạm về ATTP trong năm 2022 chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều.
Đặc biệt là tình trạng kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm... vẫn diễn ra.
“Do đó, không chỉ lo về ngộ độc rượu, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, người dân cũng cần cảnh giác với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Vũ Cao Cương lưu ý.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bạch Mai hướng dẫn, sau khi uống rượu bia có những dấu hiệu ngộ độc dưới đây cần xử lý đúng cách, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Theo đó, người ngộ độc rượu nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh: nằm nghiêng sang một bên. Thở yếu, ngừng thở: hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện có tại chỗ.
Nếu co giật: Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng. Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.
Trong trường hợp người uống rượu xong mà bất tỉnh, gọi không hỏi, co giật, tê, yếu chân tay một bên hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; thở khò khè, ứ động đờm dãi ở miệng họng, ho yếu; thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở thì đó là những dấu hiệu của ngộ độc nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, người ngộ độc rượu nặng có da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; Tiểu ra quần, tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường); nhìn mờ, nhìn một vật thành hai; nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; mệt nhiều
TS. BS Trung Nguyên lưu ý, nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm nêu trên thì gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế.
Với ngộ độc methanol, các triệu chứng khi phát tác đã rất nặng. Bởi vậy, nếu xuất hiện dấu hiệu như đã nêu, không còn cách nào khác là ngay lập tức chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Những người uống rượu cùng bệnh nhân ngộ độc methanol cũng cần tới bệnh viện kiểm tra ngay dù chưa có biểu hiện đặc biệt.
TS Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tốt nhất nên hạn chế uống rượu. Uống ít nhất có thể, giảm cả về số lần uống và số lượng rượu uống. Nếu muốn sử dụng rượu, nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông sau uống rượu.
Đặc biệt người dân tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; chỉ uống rượu với nồng độ cồn vừa phải phù hợp với tửu lượng của cơ thể; không nên sử dụng các loại rượu được pha từ nhiều loại rượu khác nhau.
N. Huyền