Cực quang màu hồng cực hiếm tràn ngập bầu trời
Cực quang màu hồng cực hiếm tràn ngập bầu trời Na Uy sau khi một cơn bão Mặt trời gây ra vết nứt tạm thời trong từ trường Trái Đất.
Khi xuất hiện vết nứt, các hạt mặt trời có năng lượng cao thâm nhập sâu vào bầu khí quyển Trái Đất hơn bình thường, đồng thời kích hoạt các ánh sáng màu khác thường.
Một nhóm du lịch do Markus Varik làm việc cho công ty du lịch ở Na Uy dẫn đầu đã phát hiện ra cực quang màu hồng hiếm thấy trong chuyến đi dài ngày. Markus Varik cho biết cực quang rực sáng bầu trời trong khoảng 2 phút, một màn trình diễn ánh sáng tuyệt vời khiến anh không thể quên.
"Đây là những cực quang màu hồng mạnh nhất mà tôi từng thấy trong hơn một thập kỷ là người dẫn đầu các chuyến du lịch. Đó là một trải nghiệm tôi không bao giờ quên", Markus Varik nói.
Cực quang diễn ra khi các hạt tích điện từ mặt trời hay còn được gọi là gió mặt trời, chạy dọc theo đường sức từ của Trái Đất và tương tác với bầu khí quyển.
Khi từ trường của Trái Đất tác động và làm chúng lệch hướng, những tương tác này sẽ gây ra sự tích tụ năng lượng và khiến cho bầu khí quyển phát sáng.
Hầu hết, cực quang có màu xanh lục, do các nguyên tử oxy phát ra màu xanh khi chúng tương tác với gió mặt trời. Tuy nhiên, trong trận bão mặt trời gần đây, vết nứt cho phép gió mặt trời xuyên qua độ sâu dưới 92 km, nitơ là khí dồi dào nhất ở độ sâu đó. Kết quả là, các cực quang phát ra ánh sáng hồng neon khi các hạt siêu tích điện tương tác với các nguyên tử nitơ.
Theo các chuyên gia, hiện tượng bất thường có thể là một loại cực quang chưa từng thấy trước đây, cũng có thể là kết quả của một hiện tượng khác. Một số chuyên gia cho rằng dải băng được tạo thành từ nhiên liệu đông lạnh của tên lửa Nga, nhưng không có tên lửa nào phát hiện trong khu vực xung quanh thời điểm xảy ra vụ việc.
Lỗ thủng đã đóng lại khoảng 6 giờ sau khi mở ra lần đầu tiên. Trong thời gian này, một dải ánh sáng xanh kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời Thụy Điển, treo lơ lửng khoảng 30 phút.
Để có thể quan sát cực quang thì cần có các điều kiện như trời quang mây và ít ánh sáng không tự nhiên. Hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp được đề cập trong các văn bản do nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristotle viết. Các văn bản Trung Quốc từ năm 2000 trước Công nguyên cũng mô tả ánh sáng như những ngọn đèn phía bắc.
Phải đến thế kỷ 17 hiện tượng cực quang mới được nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học hơn.
Hoàng Dung (lược dịch)