Con dâu lên mạng tố mẹ chồng nuôi cháu theo kiểu tiết kiệm tiền
Mạng xã hội Trung Quốc tranh cãi nảy lửa về cách nuôi trẻ nhỏ theo truyền thống của một người bà. Vì để tiết kiệm tiền, người bà đã cho cháu gái mới 1 tuổi ăn bột rang thay vì uống sữa công thức.
Trong video được công khai vào tuần trước, cô con dâu đã phàn nàn về cách chăm cháu của người mẹ chồng sinh sống ở tỉnh Hà Nam. Theo con dâu, bản thân không thể can thiệp vào cách nuôi con của mẹ chồng, bởi cô không có tiền và cũng không có công ăn việc làm.
Đoạn video đăng trên Douyin nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt bình luận cho thấy, người bà đang chuẩn bị bữa ăn theo cách truyền thống là trộn bột hấp với lòng đỏ trứng sau đó bắc lên bếp để rang. Đây là món ăn phổ biến mà những ông bố bà mẹ thời xưa ở Trung Quốc vẫn làm để cho con nhỏ ăn, do họ không có đủ tiền để mua sữa bột trẻ em. Hỗn hợp này được người bà đảo và rang 2 lần nên trông rất mịn và mượt như sữa bột.
“Mẹ chồng tôi khăng khăng chuẩn bị món bột rang cho cháu gái 1 tuổi, bởi so với sữa bột, con bé sẽ ăn bột rang ít hơn”, người con dâu nói trong video.
Dưới đoạn video, người mẹ trẻ nói thêm dù biết bột rang không chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhưng không thể ngăn cản mẹ chồng.
“Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất đối với một người không có tiền thì không có quyền nói”, cô gái nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, trẻ em 12 tháng tuổi cần 1.000 calo, 700 mg canxi, 600 đơn vị vitamin D, và 7 mg sắt mỗi ngày để hỗ trợ quá trình tăng trưởng.
Do đó, việc dùng bột rang để thay thế cho sữa công thức chủ yếu là cung cấp carbohydrate nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu cần cho sự phát triển của trẻ. Điều này khiến cộng đồng mạng Trung Quốc lao vào tranh cãi giữa phong cách chăm sóc trẻ thời xưa và nay.
“Khi tôi còn bé, đây là bữa ăn phổ biến dùng cho trẻ nhỏ. Nhưng hoàn toàn có sự khác biệt giữa không thể mua sữa bột với việc chọn loại thức ăn cho trẻ”, một bình luận trên mạng viết.
Nhiều người cũng bày tỏ sự đồng cảm với người mẹ trẻ về việc bản thân không có việc làm và không có tiếng nói trong chuyện nuôi con.
“Tôi nghĩ chuyện bạn cảm thấy buồn là không có gì sai. Tôi hy vọng khi đứa trẻ cứng cáp hơn, bạn có thể đi làm trở lại. Tình hình tài chính sẽ quyết định vị trí của bạn trong gia đình”, người khác chia sẻ.
Thế hệ Millennials và Gen Z trở thành ‘con mồi’ của tội phạm tình dục trên mạng
Nỗi khổ của chàng trai được mệnh danh là ‘người sói’
Minh Thu (lược dịch)