Cổ phiếu “họ” FLC tăng vùn vụt, cổ đông khấp khởi 'về bờ' vì 'chưa từng dám nghĩ'
Bất chấp thị trường diễn biến ra sao, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn nhất loạt tăng giá trong ít nhất ba phiên giao dịch đã qua, cũng là ba phiên đầu tiên của năm mới 2022.
Diễn biến của nhóm cổ phiếu FLC, ROS, ART, KLF, HAI, AMD,,… đang được các nhà đầu tư quan tâm, những nhà đầu tư lướt sóng đã trúng lớn nhờ nhóm cổ phiếu này.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, 06/01/2022, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC đạt 21.100 đồng/cp sau khi trải qua ba phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có một phiên tăng trần.
Với ba phiên tăng gần nhất, giá cổ phiếu FLC đã tăng thêm 17,22%.
Theo thống kê tại thời điểm này của năm 2020, FLC chỉ có giá 4.390 đồng/cp, như vậy sau đúng một năm giá cổ phiếu này đã tăng 380,63%.
Thậm chí, ngay cả thời điểm Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết mạnh dạn tuyên bố năm 2021 “nếu FLC và ROS không về mệnh giá (10.000 đồng) thì sẽ xin phá sản”, nhà đầu tư có mơ mộng đến mấy cũng không dám nghĩ đến ngày FLC cán mốc 20.000 đồng như hôm nay. Mặc dù vậy quãng thời gian một năm qua cũng đã có những thời điểm FLC và các cổ phiếu liên quan liên tục làm nản lòng các nhà đầu tư.
Một khi FLC đã tăng giá lập tức các cổ phiếu liên quan đồng loạt tăng theo, cổ phiếu ROS của CTCP FLC FAROS thậm chí vừa trải qua bốn phiên tăng giá liên tiếp và đóng cửa phiên 6/1 ở mức 15.200 đồng/cp. Chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp này cũng có một phiên ROS tăng trần (5/1), đó cũng là phiên các mã nhà FLC đồng loạt chuyển sang màu tím.
Tính chung trong bốn phiên đã qua ROS đã tăng thêm 12,59%. Thậm chí, nếu so sánh với thời điểm này của năm ngoái, ROS đã tăng thêm tới 523% từ mức giá chỉ 2.400 đồng/cp.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đang "sáng" nhất sàn chứng khoán. |
Tương tự, cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư thương mại XNK CFS cũng vừa có ba phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có phiên tăng trần ngày 6/1. Những phiên “mở bát” đầu năm 2022 giúp KLF gần về mệnh giá, đạt 9.400 đồng/cp. Tuy nhiên mức giá này đã là mức cao nhất đối với KLF kể từ tháng 3/2015, tức là đã xấp xỉ 7 năm nay KLF mới lại tiệm cận về mệnh giá. So với thời điểm này năm ngoái, KLF đã tăng thêm 347,61% về thị giá, từ mức giá chi 2.100 đồng/cp.
Diễn biến giá của KLF giống y hệt như những gì đang diễn ra với cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I. Chuỗi ba phiên tăng giá gần nhất, cũng với một phiên tăng trần ngày 6/1, lại cũng đưa HAI gần tiệm cận với mệnh giá, đạt 9.210 đồng/cp, tăng 13,70% sau ba phiên đầu năm mới và tăng 255% so với thời điểm này của năm 2021. Lần gần nhất KLF đạt mức giá này nhưng sau đó lỗi hẹn với việc chinh phục mốc giá 10.000 đồng là thời điểm tháng 4/2015. Và cũng đã hơn 10 năm đã qua KLF chưa từng được “hít thở” bầu không khí của một cổ phiếu có giá trên 10.000 đồng.
Một cổ phiếu khác có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là ART của CTCP Chứng khoán BOS. Cổ phiếu này vừa có ba phiên tăng giá liên tiếp để đạt mốc 17.000 đồng/cp, tăng 410% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giá cao nhất đối với ART kể từ tháng 8/2017.
Chưa hết, cổ phiếu tiếp theo trong nhóm này còn có AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone. AMD cũng vừa trải qua ba phiên tăng giá liên tiếp với phiên tăng trần ngày 6/1, đạt 9.580 đồng/cp. Như vậy, lại có thêm một mã cổ phiếu ngấp nghé ngưỡng mệnh giá 10.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc phiên hôm nay, 7/1, có thể sẽ chứng kiến các mã này đồng loạt đạt hoặc vượt ngưỡng 10.000 đồng/cp.
Trở lại với AMD, ba phiên tăng giá đã giúp cổ phiếu này tăng thêm 11.39% và tăng 242% kể từ đầu năm 2021. Đây cũng là mức giá cao nhất đối với AMD kể từ tháng 10/2017.
Tuy nhiên, một cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC là cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC lại không có được niềm vui chung. GAB vừa trải qua chuỗi bốn phiên liên tiếp không tăng giá, trong đó có ba phiên giảm và một phiên đứng giá.
GAB hiện đang có mức giá 196.300 đồng/cp, mức giá cao nhất trong rổ cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, không giống như những cổ phiếu còn lại, GAB lại không phải là món khoái khẩu đối với các nhà đầu tư lướt sóng bởi thị giá quá cao. Hơn nữa sự ổn định về giá cũng như sự hạn chế về thanh khoản cũng không đem lại “cảm giác mạnh” cho những nhà đầu tư lướt sóng ưa thích mạo hiểm.
Với loạt cổ phiếu vừa tăng giá, tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã tăng mạnh lên 6.343 tỷ đồng, vươn lên đứng thứ 30 trong danh sách các tỷ phú chứng khoán, thậm chí vượt qua cả “Vua chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng (6.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên, ông Quyết không trực tiếp sở hữu đầy đủ danh mục các mã cổ phiếu nói trên. Hiện Chủ tịch Tập đoàn FLC đang trực tiếp sở hữu 215,436 triệu cổ phiếu FLC (30,34% vốn điều lệ tập đoàn), 7,050 triệu cổ phiếu GAB (51% vốn điều lệ công ty), 23,717 triệu cổ phiếu ROS (4,18% vốn điều lệ công ty), và 3,15 triệu cổ phiếu ART (3,26% vốn điều lệ công ty). Trong số đó, việc nắm giữ 30,34% cổ phiếu tại FLC đem lại cho ông Quyết hơn 4.500 tỷ đồng.
Hiền Anh
Cổ phiếu 'họ' FLC' vẫn tím xanh, nhà đầu tư lại ngất ngây 'về bờ' với sắc áo tím của MC VTV
Các nhà đầu tư chứng khoán theo “hệ tâm linh” đều quả quyết nữ MC Thu Hương sẽ lại tiếp tục mang lại may mắn cho họ. Niềm tin duy nhất để họ tin vào điều này là Thu Hương mặc một chiếc áo màu tím ở… bên trong.