Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là nghiễm nhiên giành “tấm vé” vào đại học?
“Việc học sinh có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ có thể coi là một lợi thế chứ không phải cứ có chứng chỉ quốc tế rồi nộp vào là nghiễm nhiên trúng tuyển đại học”, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết.
Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2021. Bên cạnh các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, kết quả bài thi đánh giá năng lực… nhiều trường mở rộng ưu tiên xét tuyển hoặc tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level, SAT và chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS từ 4.0 trở lên.
Việc các trường cộng điểm, tuyển thẳng trường hợp có chứng chỉ quốc tế khiến nhiều thí sinh cho rằng cứ có chứng chỉ quốc tế là được tuyển thẳng vào đại học. Vậy thực hư việc này ra sao?
Ảnh minh họa |
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương thì phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hiện đang là một xu hướng được nhiều trường áp dụng và có thể tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển vào những trường mình yêu thích.
Hiện nay, có nhiều học sinh nhầm tưởng rằng tất cả các trường tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ quốc tế. Điều này là chưa đúng, tuyển thẳng với học sinh có chứng chỉ quốc tế còn do phương thức xét tuyển của từng trường.
Đa số các trường coi chứng chỉ quốc tế là chứng chỉ độc lập, có chất lượng nhất định, là một căn cứ đáng tin cậy để họ xem xét sử dụng, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.
"Việc học sinh có chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ có thể coi là một lợi thế chứ không phải cứ có chứng chỉ quốc tế rồi nộp vào là nghiễm nhiên trúng tuyển đại học.
Các trường vẫn dành chứng chỉ quốc tế cho những chuyên ngành, chương trình đòi hỏi tiếng Anh. Và phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm chỉ tiêu nhỏ còn lại đa số vẫn dành chỉ tiêu nhất định xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tôi cho rằng, kể cả không có chứng chỉ quốc tế, các học sinh vẫn có cơ hội thi vào các chương trình tiên tiến, chất lượng cao bằng các phương thức xét tuyển khác. Khi đỗ vào trường rồi, trường sẽ cho các em thời gian tích lũy để lấy được chứng chỉ", PGS.TS Vũ Thị Hiền nói.
Được biết, trường Đại học Ngoại thương năm nay cũng tuyển sinh theo sáu phương thức, trong đó phương thức 2 - xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên và phương thức 3 - xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Xét tuyển căn cứ trên nguyện vọng đăng ký, chỉ tiêu của từng chương trình và điểm đánh giá hồ sơ xét tuyển theo quy định cụ thể của nhà trường.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Cúc Phương - Hiệu phó Trường ĐH Hà Nội thì có chứng chỉ quốc tế là một lợi thế, nhưng không phải tất cả để có thể vào đại học. Bởi vì các phương thức xét tuyển khác ví dụ như xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn chiếm đa số chỉ tiêu của các trường.
Tuyển sinh 2021: Chọn ngành thế nào để đón đầu xu thế?
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo dự báo nhiều công việc hiện tại sẽ bị “xoá sổ” hoàn toàn và kéo theo đó là sự hình thành của nhiều ngành nghề mới. Vậy thí sinh nên chọn ngành thế nào là hợp lý?
Hoàng Thanh