Bí quyết đăng ký xét tuyển đại học 2021 để đỗ đúng nguyện vọng
Bắt đầu từ 27/4, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học. Nếu đăng ký trực tiếp, lịch này kết thúc ngày 11/5, còn nếu đăng ký trực tuyến thì thí sinh có thêm 5 ngày.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần. Các thí sinh phúc khảo các bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh NV xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Khi điều chỉnh, các em được phép điều chỉnh số lượng nguyện vọng lớn hơn số lượng đã đăng ký ban đầu. Từ ngày 7/8 đến 17 giờ ngày 17/8 là thời gian Bộ GD-ĐT quy định thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Ảnh minh họa |
Nếu thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu (hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên) thì phải đến điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.
Sau đó, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh sau khi cán bộ điểm tiếp nhận cập nhật thông tin bổ sung số nguyện vọng của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh.
Còn với những thí sinh điều chỉnh nguyện vọng không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, chỉ việc sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.
Nên đăng ký nguyện vọng thế nào?
Thầy Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ rằng thực tế đến nay nhiều học sinh vẫn chưa hiểu được cách thức xét tuyển đại học nên đăng ký quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng.
Hiện nay, có hai nhóm lọc ảo phía Nam (do Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì) và phía Bắc (do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì) cùng với quy trình lọc ảo cả nước trên phần mềm chung của Bộ GD-ĐT.
Sau khi phần mềm chạy sẽ ra điểm chuẩn tạm thời và tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo ở các trường trong nhóm lọc ảo. Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ bị xóa tên ở tất cả các nguyện vọng còn lại.
Trường hợp thí sinh rớt nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 sẽ được tính là ưu tiên 1, rớt nguyện vọng 2 thì nguyện vọng 3 trở thành ưu tiên 1… Phần mềm sẽ chạy đến khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký trúng tuyển vào mức điểm chuẩn phù hợp.
Thầy Dũng còn chia sẻ "bí quyết" đăng ký xét tuyển vào những ngành gần, ngành mới mở thường dễ trúng tuyển hơn.
Ví dụ ngành công nghệ thông tin hiện đang được rất nhiều thí sinh chọn nên điểm chuẩn thường rất cao. Trong khi có những ngành gần thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin như khoa học dữ liệu, thương mại điện tử, kỹ thuật phần mềm… nhưng điểm chuẩn thấp hơn 1-2 điểm. Những ngành này thị trường lao động có nhu cầu cao.
Trong khi đó, TS. Lê Thị Thanh Mai - Đại học Quốc gia TP.HCM khuyên thí sinh nên tranh thủ thêm các phương thức xét tuyển khác: đánh giá năng lực, học bạ…để tăng khả năng trúng tuyển.
"Việc xét tuyển theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không phân biệt thứ tự nguyện vọng, nhưng nếu các em sử dụng điểm học bạ thì điểm chuẩn đợt 2 thường cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển đánh giá nguyện vọng 2 có thể cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1, do vậy các em cần hết sức cảnh giác", cô Mai lưu ý.
Thí sinh đăng ký tới 50 nguyện vọng là không cần thiết!
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021 từ ngày 27/4 đến 11/5.
Hoàng Thanh