Chuyện chiếc dép màu xanh của cô giáo nuôi dạy những đứa trẻ “không bao giờ lớn”
Mối “lương duyên” chẳng thể dứt bỏ
Khi đến với trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật (thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội), một trong những người đầu tiên mà tôi tiếp xúc là cô giáo Nguyễn Thị Quyên, giáo viên lớp 5, lớp đặc biệt dành cho trẻ khiếm thính.
Được biết, cô Quyên tốt nghiệp khóa 58 khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô Quyên đến với nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật như một mối lương duyên từ kiếp trước.
Cô Quyên chia sẻ, ngày quyết định thi vào khoa giáo dục đặc biệt, cả gia đình ai cũng lên tiếng phản đối.
Bởi lẽ, nghề giáo mà dạy học sinh bình thường còn bạc như màu phấn chứ nói gì đến những đứa học trò khuyết tật.
Thế nhưng, không hiểu sao, cứ nghĩ tới những đôi mắt trong veo, những nụ cười thơ ngây của lũ trẻ trong trường khuyết tật mà một lần cô tới thăm thì lòng cô cứ xôn xao. Kể từ đó, cô biết mình có mối lương duyên chẳng thể cắt bỏ với những đứa trẻ ấy.
Sau 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, cô miệt mài đèn sách chỉ mong có thể giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật. So với những đứa trẻ bình thường khác chúng đã quá bất hạnh rồi. Tốt nghiệp, cô xin về giảng dạy tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội.
Cô giáo trẻ ấy hướng đôi mắt về phía những đứa học trò nhỏ đang mải mê chơi đùa và nói với tôi: “Tội nghiệp lũ trẻ, có những đứa bị gia đình bỏ rơi ở trung tâm này từ lúc còn bế ngửa trên tay chẳng bao giờ được biết đến hơi ấm của tình mẫu tử. Với chúng, gia đình là thứ gì đó xa xỉ lắm mà có lẽ cả cuộc đời này chúng chẳng thể với tới được”.
Vừa làm cô... vừa làm mẹ
Dạy những đứa trẻ bình thường còn khó chứ nói gì đến dạy trẻ khuyết tật. Học sinh trong lớp của cô Quyên là những bạn khiếm thính, không có khả năng nghe và nói. Ở đây, giáo viên phải dạy trẻ từng chút một, dạy cách ăn cơm, dạy chơi...thậm chí còn phải dạy các con đi tắm, dạy cách chăm sóc bản thân.
Chừng đó thôi cũng đủ nhân lên gấp bội những khó khăn mà cô giáo dạy trẻ khuyết tật gặp phải.
![]() |
Lớp học tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật |
Dạy trẻ khiếm thính và trẻ khuyết tật trí tuệ không hề đơn giản. Sự kiên nhẫn và tình yêu trẻ đó là hai yếu tố không thể thiếu... Toàn bộ thời gian ở trường đều tiếp xúc với trẻ, chơi đùa, thậm chí ngủ cùng trẻ để có thể thấu hiểu trẻ và cho chúng cảm nhận được tình yêu thương, từ đó mà cảm hóa trẻ.
Phương tiện giao tiếp của cô trò chủ yếu là ngôn ngữ kí hiệu và khẩu hình. Trong quá trình giảng dạy và giao tiếp phải chú trọng đến phương pháp đọc hình môi. Tuy nhiên, khi dạy môn tiếng Việt, giáo viên đã vấp phải không ít khó khăn.
Tiếng Việt của chúng ta có nhiều từ phức tạp, dùng hành động không thể diễn tả để trẻ khiếm thính hiểu được, ví dụ các từ như “khuya, khuỷu” khó mà dùng hành động diễn đạt được.
Hơn nữa, vốn từ vựng của trẻ khiếm thính cũng rất hạn chế nên việc hướng dẫn để trẻ có thể viết một đoạn văn là điều vô cùng khó khăn.
![]() |
Một giờ học của trẻ khuyết tật |
Ngoài ra, trẻ khuyết tật thường khó kiềm chế được cảm xúc. Nhiều khi, các con không viết được, các con liền la hét om sòm và xé nát hết sách vở, thậm chí đánh bạn, ném đồ dùng học tập vào người cô. Cô chẳng thể nổi giận, vẫn ánh mắt dịu dàng và cử chỉ ân cần để cảm hóa chúng. Thế mới biết nghề nuôi dạy trẻ khuyết tật gian nan thế nào.
“Tôi còn nhớ, có một lần chiếc bàn giáo viên của tôi bị hỏng một chân. Vì thế, khi tôi ngồi viết mẫu cho các con chiếc bàn thường bị lung lay, rất khó viết, mấy lần nghĩ bụng bảo nhờ anh bảo vệ sửa giúp mà bận nhiều việc nên quên.
Lạ thay, hôm ấy, tôi vẫn ngồi viết mẫu nhưng lại không thấy chiếc bàn lung lay như mọi ngày. Tôi ngó xuống, thì ra chân bàn bị gãy đã được kê bằng một chiếc dép màu xanh của ai đó. Tôi đang thắc mắc trong đầu, ngoài tôi làm gì có ai biết chiếc bàn bị lung lay mà kê dép.
Lúc xuống lớp, tôi sững sờ khi thấy đôi chân của một cậu học trò nhỏ cùng để lên một chiếc dép màu xanh. Hóa ra, chính cậu học trò nhỏ của tôi đã dùng chiếc dép của mình để kê chân bàn giúp tôi. Đó có lẽ là giây phút tôi hạnh phúc nhất vì tôi biết tôi đã có một chỗ đứng trong lòng các con, vì các con, tôi cố gắng bao nhiêu cũng không mệt mỏi”, cô Quyên nói.
Trao đổi với PV báo Infonet, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội cho hay: “Chăm sóc và dạy dỗ trẻ khuyết tật vô cùng gian nan. Tôi vẫn thường nói với các giáo viên trong trung tâm :“Làm nghề này, đặt chữ tâm lên trên hết thì chẳng có khó khăn nào không thể vượt qua”. Tuy thế, cũng không ít cô giáo về đây và bỏ cuộc giữa chừng vì quá nản".
![]() |
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật |
Ông Lê Văn Hoàng cũng cho biết thêm: "Trung tâm chúng tôi là đơn vị trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, chúng tôi làm nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, hướng nghiệp dạy nghề cho các trẻ khuyết tật, hiện nay chúng tôi đang chăm sóc chủ yếu là trẻ khuyết tật trí tuệ và khiếm thính.
Về trung tâm, các em được phân thành các diện: Khuyết tật có khả năng phục hồi và khuyết tật không có khả năng phục hồi. Tại đây, các em được hưởng các chế độ giáo dục đặc biệt, được chăm sóc, được dạy dỗ, phục hồi chức năng để khi 18 tuổi các em có thể tái hòa nhập cộng đồng.
Cũng có những em không thể phục hồi chức năng chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên để có hướng giúp đỡ các em, để các em ở lại với trung tâm”.