Chung tay ổn định cuộc sống cho nạn nhân bị mua bán trở về
Hà Giang là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới cực Bắc của tổ quốc, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Xuất phát từ những điều kiện nêu trên, tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm hết sức tinh vi, xảo quyệt.
Trong năm 2022, các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, nhất là các huyện biên giới. Toàn tỉnh đã tổ chức 857 buổi truyền thông với 710.026 lượt người về mua bán người. Phát hành 22.080 pa no, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, tin, bài phóng sự về phòng, chống mua bán người.
Ngoài ra tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì và vận hành Tổng đài đường dây nóng phòng chống mua bán người 18001282 kết nối với tổng đài 111 của trung ương, đặt tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh để tiếp nhận các thông tin và xử lý, hướng dẫn hỗ trợ nạn nhân có nguy cơ bị mua bán được tiếp cận với các cơ quan chức năng, dịch vụ pháp lý về phòng chống mua bán người, trong năm 2022, tiếp nhận 361 cuộc gọi đến đường dây nóng thông tin về phòng, chống mua bán người.
Công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại tỉnh Hà Giang luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau khi tiếp nhận nạn nhân do nước ngoài trao trả hoặc giải cứu các lực lượng bộ đội Biên phòng, lực lượng Công an và các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu và chăm sóc nạn nhân như: Bố trí nơi ở tạm thời, ăn uống hàng ngày, quần áo, đồ dùng cá nhân, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tiền ăn, đi đường cho nạn nhân trở về nơi cư trú. Trong năm 2022 theo số liệu tổng hợp từ Công an tỉnh và Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, đã tiếp nhận, xác minh 12 người là nạn nhân, nghi là nạn nhân, trong đó xác định 08 người là nạn nhân (Hà Giang 07 nạn nhân; ngoài tỉnh 01 nạn nhân) các nạn nhân đều được hỗ trợ theo quy định.
Nạn nhân bị mua bán người tái hòa nhập cộng đồng về địa phương, luôn được các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể của huyện, xã quan tâm giúp đỡ hỗ trợ như: Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi bò, dê, lợn sinh sản, gà xương đen... với tổng kinh phí 512 triệu đồng giúp cho các nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán sớm duy trì ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; duy trì 2 hợp tác xã thêu diệt lanh thổ cẩm để giúp chị em phụ nữ nghèo có nguy cơ cao về mua bán có việc làm tại chỗ.
Sở đã phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ xây dựng nhà ở mới cho 05 nạn nhân bị mua bán trở về với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ mua đồ dùng sinh hoạt (giường, tủ, trạn bát, bàn ghế uống nước, téc đựng nước...) với kinh phí 50 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế phát triển chăn nuôi (mua bò, dê, lợn sinh sản...) với kinh phí 75 triệu đồng.
Ngoài ra còn hỗ trợ cho 15 hộ gia đình nghèo có nguy cơ cao mua bán người tại huyện Mèo Vạc, Đồng Văn với tổng kinh phí 1.050.000.000đ. Các tổ chức Đoàn thể ở cơ sở đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người nghi là nạn nhân bị mua bán và đối tượng phụ nữ đi Trung Quốc làm thuê trái phép qua biên giới trở về được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nhằm từng bước ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người, trọng tâm là Kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 của UBND tỉnh Hà Giang; Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Kế hoạch phòng chống mua bán người năm 2022, của Ban chỉ đạo 138 tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người. Tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế để tăng cường tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về công tác hỗ trợ nạn nhân, cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, xã. Duy trì và thực hiện tốt có hiệu quả kế hoạch phối hợp liên ngành về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
NH