Chung cư mini giá rẻ, người mua nên cẩn trọng
Trên thực tế, nhiều người từng mua căn hộ mini đã phải sống khổ sở vì các tiện ích của dự án không giống như quảng cáo và rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khác.
Chị Lê Minh Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2020 chị mua một căn hộ chung cư mini trên đường Xã Đàn, dự án này dù có giá rất rẻ, nhưng chỉ có 1 tầng để xe ở dưới. Ban đầu, khi người dân chưa về ở kín, khu vực tầng 1 này luôn khá rộng rãi, thông thoáng. Nhưng hơn nửa năm sau, khi toàn bộ cư dân chuyển về đây ở đã có hiện tượng quá tải và không có chỗ để xe máy. Do đó, chủ dự án yêu cầu mỗi nhà chỉ được để tối đa 2 xe, nếu có xe thứ 3 phải gửi ở nơi khác.
“Đấy là còn chưa có ô tô, chứ vài năm nữa, người người nhà nhà mua ô tô, thì lấy đâu ra chỗ để”, chị Nguyệt nói.
Chưa hết, rất nhiều hộ gia đình sống ở dự án này phải sống dựa vào nét mặt của bảo vệ trông xe, những người này sống luôn ở dưới tầng 1 để tiện thể bảo vệ xe cộ cho cư dân.
Chị Nguyệt kể: Mặc dù trên lý thuyết, việc làm này là để bảo vệ tài sản cho cư dân, cư dân rất đồng tình. Tuy nhiên, trông xe, bảo vệ ở tầng 1 là người nhà của chủ đầu tư dự án, nên nhiều khi “trái gió trở trời”, người dân phải dựa vào thái độ của họ mà sống.
Ví dụ, theo quy định chung cư này, 12h đêm sẽ đóng cửa ngoài và chỉ có bảo vệ được cầm chìa khóa. Cư dân muốn ra muốn vào giờ này phải thông báo để bảo vệ mở cửa.
Tuy nhiên, có nhiều người đi công tác hoặc đi chơi về rất muộn, khoảng 3h - 4h sáng mới về. Cửa thì khóa, nhưng gọi khản cả giọng bảo vệ cũng không mở cửa, mặc dù căn hộ của họ là mua, chứ không phải thuê. Dù họ là chủ căn hộ, nhưng cuộc sống vẫn phải phụ thuộc vào người khác, giống như người đi thuê trọ.
Đó là chưa kể có bà bầu đau đẻ đêm khuya, hoặc có người ốm đau muốn ra ngoài cũng gặp phải cảnh “mặt nặng, mày nhẹ” của bảo vệ tầng dưới.
“Ở đây cư dân cãi nhau với bảo vệ là điều chuyện xảy ra cơm bữa. Cứ vài ngày là có người cãi nhau với bảo vệ. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị với chủ dự án, nhưng chuyện rồi đâu cũng vào đấy”, chị Nguyệt nói.
Giống như chị Nguyệt, năm 2015, chị Nguyễn Hồng Hoa (quê ở Bắc Ninh) mua chung cư mini tại khu vực Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Hoa chia sẻ: “Lúc đó, gia đình chỉ có khoảng 1,1 tỷ đồng lại muốn mua nhà gần trung tâm để con tiện học hành. Vì vậy, nhà tôi tặc lưỡi mua căn hộ với diện tích có 45m2. Nhà tôi mua qua công ty môi giới và có hợp đồng mua bán rõ ràng với lời hứa ở 1 năm có sổ đỏ”.
Căn hộ chị Hoa mua ở tầng 3 tòa nhà cao 9 tầng. Tầng 1 là khu vực để xe, còn lại mỗi tầng có 4 căn hộ. Đa phần những người mua nhà ở khu chung cư này đều là người ngoại tỉnh, mua nhà cho con cái học đại học hoặc những đôi vợ chồng trẻ mới lập gia đình.
Sau khi ở vài năm, chung cư bắt đầu xuống cấp nhưng chủ đầu tư không tu sửa. Mỗi khi xảy ra hỏng hóc, chính những người dân sinh sống ở đây phải tự bỏ tiền túi ra để thuê người sửa chữa.
“Thang máy hỏng cũng là chúng tôi tự góp tiền sửa. Chung cư chỉ có sổ đỏ chung còn lời hứa có sổ đỏ từng căn hộ đến nay 7 năm vẫn chưa thực hiện được”, chị Hoa nói.
Trong khi đó, anh Đỗ Tuấn, chủ một chung cư mini khác trên đường Trương Định chia sẻ: Dự án có khoảng 50 căn, nhưng chỉ có 2 thang máy. Vào buổi sáng, lúc nào cũng rơi vào tình cảnh xếp hàng chờ đến lượt.
Trước cơn sốt lùng mua chung cư mini, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, các căn hộ chung cư mini đều chỉ sở hữu chung mảnh đất xây và điều này được nói rõ khi người mua tìm hiểu dự án. Khách hàng giao dịch sẽ ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Năm đầu tiên công ty sẽ quản lý tòa chung cư, sau đó bàn giao lại cho ban quản trị tòa nhà do người dân tòa nhà bầu ra.
Điều đáng nói, người mua căn hộ chung cư mini có thể được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong khu chung cư mini. Tuy nhiên, để được cấp sổ đỏ và chia tách sổ đỏ, chung cư mini phải đảm bảo đầy đủ các quy định chặt chẽ về pháp lý.
Theo các chuyên gia bất động sản, vấn đề pháp lý của chung cư mini đã được đề cập đến rất nhiều gần chục năm qua. Nguyên nhân khiến nhiều chung cư mini không thể cấp được sổ cho dân là do trước đó chủ đầu tư cố tình xây sai phép nhưng không bị kiểm tra, cưỡng chế dẫn đến khi đi vào vận hành không thể làm được sổ, người dân khổ mà không biết kêu ai.
Người mua chung cư mini phải xem xét kỹ dự án có giấy phép xây dựng do quận/huyện cấp, xây dựng có đúng theo bản vẽ thiết kế, có đúng số tầng và mật độ xây dựng như trên bản vẽ đã cấp, có phê duyệt an toàn phòng cháy chữa cháy do cơ quan Công an thẩm định và cấp phép hay không? Đây là những vấn đề pháp lý cốt lõi mà người mua chung cư mini phải nằm lòng để đảm bảo quyền lợi của mình.
Hiện nay, Luật Đất đai và Luật Nhà ở chưa có quy định rõ ràng về loại hình chung cư mini mà chỉ quy định điều chỉnh chung về nhà ở, công trình xây dựng, nên loại hình nhà ở này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ngoài vấn đề đã phân tích ở trên thì nếu có xảy ra tranh chấp, chắc chắn người mua sẽ chịu thiệt.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, so với việc mua thì thuê chung cư mini sẽ có lợi hơn. Còn trong trường hợp có ý định mua, khách hàng cần hết sức tỉnh táo tìm hiểu kỹ các thông
Theo VTC