Childfun Việt Nam: Nỗ lực bảo vệ trẻ em trước 'mạng ảo, tổn thương thật'
Công nghệ thông tin, mạng internet hiện nay trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em, đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập, giải trí. Tuy nhiên, mặt trái của không gian mạng cũng gây ra nhiều hệ lụy đòi hỏi gia đình, nhà trường và xã hội phải có những giải pháp để phát huy được mặt tích cực, tránh những thông tin xấu, độc gây hậu quả khó lường đối với trẻ.
Ông Đỗ Dương Hiển - chuyên gia an toàn trên mạng của tổ chức Childfun Việt Nam cho biết: “Bảo vệ trẻ em là một trong những chương trình chính của chúng tôi. Chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ tổn thương của trẻ em trên môi trường mạng cũng là những tổn thương thực tế, như vậy mạng là ảo nhưng tổn thương là thật.
Trong quá trình hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, chúng tôi hỗ trợ nhiều trường hợp các em bị xâm hại trên môi trường mạng, bị bạo lực thân thể, tinh thần sau xung đột trên môi trường mạng”.
Theo ông Hiển, Childfun là một trong những tổ chức đầu tiên xác định định hướng trẻ em trên môi trường mạng từ năm 2017. Tổ chức cũng có những can thiệp tương đồng, giáo dục rồi thực hiện hoạt động bảo vệ.
“Trong giai đoạn đầu chúng tôi trang bị kỹ năng và kiến thức cho trẻ trong việc dùng không gian mạng thế nào cho an toàn, trách nhiệm. Cùng với đó là đưa ra những rủi ro trên mạng mà trẻ em có thể gặp phải, và khi gặp vấn đề các em tìm kiếm giúp đỡ ở đâu.
Cốt lõi của chúng tôi đưa ra là 6 tính chất cơ bản của internet: kết nối, tính vĩnh viễn, tính ẩn danh, tính công khai, nguồn thông tin internet như thế nào và sự tôn trọng ra sao”, ông Hiển cho biết.
Nhấn mạnh những gì trong đời thực cũng diễn ra như thế trên môi trường mạng, ông Hiển nói thêm: “Chúng tôi đưa ra thông điệp là tính chất về sự tôn trọng, tức là nếu chúng ta không muốn nhận những gì chúng ta không muốn thì đừng làm điều đó với người khác.
Hiện nay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thành chương trình ưu tiên của chúng tôi, trước mắt là dự án liên khu vực thực hiện ở các nước ASEAN liên quan đến trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng không gian mạng cho trẻ em, cho cha mẹ, thầy cô giáo.
Để đảm bảo tính bền vững của dự án chúng tôi cũng có hoạt động lồng ghép nội dung bảo vệ trẻ em trên không gian mạng vào sách giáo khoa”, ông Hiển nói.
Theo chuyên gia của Childfun Việt Nam, hiện nay trong sách giáo khoa mới môn Tin học của Bộ GD&ĐT từ năm lớp 6 đã có nội dung về sử dụng mạng xã hội và truy cập internet an toàn. Thế nhưng vấn đề là vẫn còn thiếu phần nào về hướng dẫn kỹ năng để trẻ dùng mạng xã hội an toàn cũng như cách ứng phó, tránh nguy cơ rủi ro trên mạng.
Tổ chức Childfun mong muốn xây dựng khung giáo dục để xác định từng độ tuổi, từng giai đoạn phát triển của trẻ nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ bảo vệ mình trong cả môi trường mạng và cả đời sống thực.
Trên toàn cầu Childfun triển khai chiến dịch kêu gọi sự tham gia của đơn vị cung cấp dịch vụ, tham gia của trẻ em trong việc các em học hỏi kiến thức, kỹ năng và chia sẻ vấn đề của các em với các bên liên quan.
“Chúng ta thường nói ở vùng sâu, vùng xa các em tiếp cận mạng hạn chế nhưng chưa hẳn, bởi vì ở Việt Nam là thị trường rẻ nên trẻ vùng sâu cũng dễ dàng tiếp cận không gian mạng. Vậy nên kể cả trẻ em ở những vùng này cũng cần được cung cấp kiến thức về sử dụng không gian mạng”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cho biết Childfun cũng có những khó khăn khi triển khai dự án về bảo vệ trẻ em từ những thủ tục chính sách, năng lực hệ thống bảo vệ trẻ em chưa sẵn sàng cho những can thiệp liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ngoài ra, cán bộ bảo vệ trẻ em dưới địa bàn yếu và thiếu, khả năng công nghệ của họ gần như là số 0. Trong quá trình xây dựng dự án bảo vệ trẻ em, xây dựng phần mềm quản lý, Childfun rất vất vả trong hướng dẫn cán bộ địa phương hoàn thiện và thực hiện phần mềm.
Có thể thấy bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn, chú trọng phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo là cách bảo vệ trẻ hoàn hảo nhất vì một môi trường mạng an toàn và công dân số tương lai.
Hoàng Thanh