Chiến lược phát triển bác sỹ gia đình tại TP.HCM
Theo báo cáo tổng kết sơ bộ của Sở Y tế TP.HCM, qua 3 năm triển khai thí điểm bác sỹ gia đình, đã có 224 phòng khám BSGĐ thành lập tại các BV, trạm y tế phường, phòng khám tư nhân. Số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các phòng khám BSGĐ đạt con số 650.000 lượt bệnh nhân. Hơn 900 trường hợp đến cấp cứu tại BSGĐ, thực hiện thủ thuật gần 6.000 ca, chuyển tuyến gần 4.000 ca. Tuy vậy, chỉ có hơn 80.000 bệnh nhân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện.
![]() |
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, con số này là quá ít so với hơn 30 triệu lượt người bệnh đến khám chữa bệnh trên toàn tuyến của TP. BSGĐ cũng chỉ mới khám chữa những bệnh lý thông thường, mạn tính chứ chưa được đầu tư để khám các bệnh cấp tính, cấp cứu…
Lý do là kỹ năng của BSGĐ chưa đồng đều, chưa tạo được sự tin tưởng của người bệnh. Mặt khác, đa phần BSGĐ tại các trạm y tế đều kiêm nhiệm thêm cả công việc tại trạm y tế như phòng chống dịch bệnh, quản lý… nên chưa thể tập trung vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, với mô hình BSGĐ tại trạm y tế, do hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên chưa đạt được mục tiêu quản lý hồ sơ của người bệnh.
Để BSGĐ gần dân hơn, các phòng khám BSGĐ tại các BV quận đã có nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, như công khai tên tuổi, trình độ, chuyên môn của bác sĩ; Cho bệnh nhân được quyền lựa chọn bác sĩ khám cho mình…
BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV quận 2 chia sẻ: “Đúng là nguồn nhân lực tại các Trạm Y tế còn thiếu, riêng TP.HCM đã có một số trạm không có BS, vừa thực hiện công tác dự phòng, phòng dịch, quản lý và cả điều trị nên rất khó khăn.
Để đáp ứng nhu cầu khám tại chỗ của người dân, mô hình BSGĐ tại trạm phải tăng cường nguồn lực từ các bệnh viện. Tại quận 2 thực hiện được 5 trạm y tế, trong đó 3 trạm có phòng khám đa khoa vệ tinh nhiều chuyên khoa, có chuyên khoa BSGĐ, 2 trạm có tăng cường bác sĩ gia đình cùng khám. Người dân tin tưởng vì tại trạm y tế vẫn có BS bệnh viện quận, không mất nhiều thời gian chờ đợi, thuốc men đầy đủ”.
![]() |
Trong nỗ lực tiến tới việc các phòng khám bác sĩ gia đình, các bác sĩ thực hiện được các xét nghiệm phức tạp, BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV quận 2 cho biết, hiện nay các phòng khám BSGĐ gắn ở trạm hay BV đều có các phương tiện trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu điều trị. Xu hướng các bệnh viện, Trạm y tế có mô hình BSGĐ được hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để tầm soát ung thư, test nhanh HIV…
Trước đây khi chưa có mô hình này, mỗi tháng trạm Y tế chỉ khám 10-12 người, nay đã tăng lên 30 – 40 người. Có trạm có siêu âm 4D, Xquang, tiêu hóa, răng hàm mặt, bước đầu thu hút người dân, giảm áp lực cho BV quận huyện và BV tuyến trên, để các bác sĩ tập trung vào các ca khó, còn BSGĐ cũng có thời gian tư vấn cho bệnh nhân. Đây là 1 trong những cách tăng sự hài lòng của người dân cũng như hiệu quả trong điều trị.
Về phía TP,GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh,Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, luôn luôn phải tăng cường chất lượng chuyên môn cho các bác sĩ. Muốn vậy, trung tâm y tế quận, huyện phải xây dựng kế hoạch để cử bác sĩ tham gia các khóa đào tạo bác sĩ y học gia đình; Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án BSGĐ, xây dựng và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong khám và điều trị, lưu trữ thông tin người bệnh trong chuyển viện, theo dõi sau điều trị ở tuyến trên...
Mục tiêu “từ nay đến năm 2020, TP sẽ triển khai ít nhất 2.000 phòng khám BSGĐ trên toàn địa bàn”, GS Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định.
Tại TP.HCM, tất cả 24 quận huyện đều có 1 trạm y tế mô hình điểm. Dự kiến mỗi trạm sẽ được đầu tư 1.725 triệu đồng để sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, cung ứng thuốc, vật tư y tế, đồng thời Sở Y tế sẽ thực hiện chế độ luân phiên bác sĩ tuyến quận huyện về làm việc tại trạm y tế, đảm bảo ít nhất mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của trạm y tế. |