Khi cha mẹ và con cái như 'nước với lửa’, phải làm gì để dung hòa?
Tại sao con cái và cha mẹ mâu thuẫn? Xung đột gia đình phát sinh vì nhiều lý do, ví dụ như một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị thông minh, không chịu dọn phòng, không muốn làm bài tập về nhà hoặc bị điểm kém ở trường. Kết quả học tập thường trở thành nguồn gốc mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý vào một số vấn đề trọng tâm để có thể khắc phục tình trạng này.
Theo nhà tâm lý học Larisa Surkova, đôi khi phản ứng dữ dội với điểm thấp khiến trẻ có tiềm thức mong muốn nổi loạn. Khi một học sinh đạt điểm tốt, phụ huynh thường chỉ đơn giản nói với chúng “làm tốt lắm” và chuyển chủ đề.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ trở về với một sự thất vọng, cha mẹ nên chú ý đến chúng nhiều hơn: nói chuyện với chúng, quyết định giáo dục chúng suy nghĩ tích cực hơn, thuê gia sư cho chúng.
Tất cả những hành động này của người lớn có thể được trẻ em coi là biểu hiện của tình yêu thương và sự quan tâm. Do đó, từ quan điểm của tâm lý học trẻ em, bị điểm kém có thể có lợi hơn điểm tốt.
Nếu một đứa trẻ đạt điểm cao trong tất cả các môn học, trừ một môn học ngoại lệ, thì việc đến trường và tìm hiểu vấn đề sẽ không gây hại. Đồng thời, điều quan trọng cần lưu ý là trong hệ thống giáo dục hiện đại, điểm số là khá chủ quan và điểm kém không phải là dấu chấm hết.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên nên suy nghĩ xem liệu mối quan hệ tốt đẹp với trẻ có xứng đáng hơn việc tranh cãi liên tục vì thành tích học tập của con cái hay không.
Làm thế nào để ngăn chặn xung đột?
Dù nghe có vẻ sáo mòn nhưng trước hết cha mẹ cần bắt đầu giải quyết vấn đề từ chính họ. Ngủ đủ giấc, thư giãn, theo dõi trạng thái thể chất và cảm xúc của bạn.
Không cần phải trở thành cha mẹ ngay lập tức khi vừa bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà bằng cách kiểm tra bài tập về nhà của con cái. Hãy để tâm đến công việc của riêng bạn và để con bạn làm việc của riêng mình. Khi bạn không căng thẳng thần kinh, xung đột ít xảy ra hơn nhiều.
Nếu bạn thường tức giận và mắng con, điều quan trọng là phải hiểu tại sao điều này lại xảy ra. La mắng trẻ con thì dễ - chúng không thể đánh lại. Nhưng lý do khiến bạn tức giận có lẽ hoàn toàn không phải ở chúng, mà là ở những vấn đề trong công việc. Tất nhiên, bạn không thể phản ứng với cấp trên, vì vậy con cái bạn lại phải chịu đựng thái độ tiêu cực của bạn.
Để hiểu tình hình và hiểu bản chất thực sự của các cuộc cãi vã, hãy thử phương pháp viết tự do. Lấy một tờ giấy và viết ra tất cả những gì bạn nghĩ đến, cho dù những suy nghĩ của bạn có vẻ vô nghĩa đối với bạn.
Phương pháp này sẽ giúp không chỉ loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, mà còn tìm ra nguồn gốc bản chất của vấn đề. Một khi bạn xác định được nguyên nhân và loại bỏ chúng, việc ngăn chặn các mâu thuẫn trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Phải làm gì nếu xung đột đã bắt đầu?
Luôn cố gắng duy trì lập trường cân bằng của người lớn. Thật khó, nhưng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp với trẻ em vẫn chưa được “phát minh”. Ít nhất hãy nghỉ ngơi bằng cách đi vào phòng khác và bình tĩnh lại.
Một kỹ năng quý giá khác là khả năng im lặng đúng lúc để không nói cho trẻ biết điều mà sau này bạn sẽ hối hận. Chuyên gia tâm lý, blogger và là mẹ của nhiều trẻ em Alexandra Zvereva khuyên nên xây dựng một cuộc đối thoại bình đẳng với trẻ em.
Trên hết, hãy để trẻ ngang hàng với bạn theo đúng nghĩa đen trong một cuộc trò chuyện, chẳng hạn như bằng cách bạn ngồi xổm xuống hoặc đặt con bạn lên ghế sofa để trẻ không phải ngước nhìn lên bạn.
Hiểu quan điểm của trẻ cũng rất quan trọng. Hãy thử hỏi chúng: “Con nghĩ điều gì đã xảy ra?”. Hãy cho chúng cơ hội để nói lên quan điểm và chia sẻ những vấn đề của chúng, sau đó nói về những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
Khi trẻ con hiểu rằng chúng đang được lắng nghe, chúng sẽ dễ dàng cảm nhận được người đối thoại. Điều đó sẽ dễ dàng hơn để tìm cách thoát khỏi tình huống bằng những nỗ lực chung.
Hạ Thảo (theo Gazeta)