Cha mẹ lo lắng khi con tự do khám phá thế giới mạng
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em trong đó khoảng 2/3 có cơ hội tiếp cận với Internet. Trong bối cảnh hiện nay mọi hoạt động đều dịch chuyển lên Internet, kéo theo rủi ro lớn cho trẻ em như lộ lọt thông tin, bị lừa đảo, đánh cắp dữ liệu, dụ dỗ lôi kéo, tiếp cận thông tin giả mạo...
Dùng mạng xã hội nhưng non về nhận thức, thiếu kỹ năng tự bảo vệ, trẻ em có thể tiếp cận những nội dung thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, dẫn đến làm lệch lạc suy nghĩ và ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh.
Trẻ em cũng có thể bị phát tán những nội dung thông tin riêng tư, cá nhân, bị nghiện Internet hoặc bị cuốn vào những nội dung vô bổ trên mạng. Không những thế, trên môi trường mạng, các em có thể bị bắt nạt và nghiêm trọng hơn là có thể bị lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo, hoặc ép tham gia vào các hoạt động vi phạm, thậm chí có thể bị xâm hại tình dục…
Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Điều đáng lo ngại là số trẻ em bị xâm hại qua các năm qua có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Có thời điểm, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Nhiều gia đình đã hoang mang, lo sợ khi thấy con có biểu hiện "nghiện" mạng xã và làm theo các trào lưu trên mạng.
Chị Trần Thu Liễu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con trai 4 tuổi của chị thường mê xem các chương trình siêu nhân. Ban đầu thấy cháu xem bình thường nhưng thời gian gần đây cháu có những hành động nhảy từ trên cao xuống, thậm chí xưng hô, hành động theo kiểu “siêu nhân” khiến gia đình lo lắng.
“Gần đây tôi làm mọi cách để hạn chế cho bé xem các video về siêu nhân và chương trình có hành động bạo lực, phản cảm nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Tôi mong cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em”, chị Liễu nói.
Không chỉ chị Liễu mà nhiều gia đình cũng trong tình trạng tương tự khi con xem những clip bạo lực, những nội dung phản cảm, tục tĩu, các trò nghịch ngợm nguy hiểm... Các em rất dễ tiếp thu và bắt chước những clip trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nêu quan điểm: “Tôi cho rằng chương trình bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các doanh nghiệp để sản xuất và đưa ra những ứng dụng, mà quan trọng nhất là dành cho trẻ em.
Khi mà các em có được môi trường sáng tạo thì sẽ giảm bớt thời gian theo dõi các nội dung vô bổ, không có ích, thậm chí xấu độc liên quan đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đồng hành với con để biết được sự phát triển của công nghệ cũng như nội dung con em mình đang theo dõi trên môi trường mạng”.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, ngoài các biện pháp khoa học kỹ thuật, các nhà mạng có thể hỗ trợ các gia đình kiểm soát nội dung truy cập trên Internet của trẻ em, giới hạn giờ truy cập... để dành thời gian cho sinh hoạt cùng gia đình hoặc vui chơi thể thao trong nhà giúp nâng cao sức khỏe.
Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Việc tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, các hoạt động thể dục thể thao… cũng chính là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ em, tránh sa đà trên không gian mạng.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con một cách tỉ mỉ về việc sử dụng mạng sao cho đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học của trẻ. Khi trẻ ở tuổi vị thành niên thì cha mẹ phải giám sát chứ không chỉ hướng dẫn đơn thuần, thậm chí phải khóa các kênh có nội dung độc hại. Cha mẹ luôn làm bạn, lắng nghe để hiểu, nắm bắt những sự việc diễn ra xung quanh trẻ, từ đó định hướng kịp thời.
Hoàng Thanh