Câu đố Tiếng Việt: ‘Đất lề, quê thói’ là gì? 99% nghĩ mình giải nghĩa đúng!
Dân gian có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" để nói về độ khó của ngữ pháp tiếng Việt. Một câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng lại có thể hàm chứa những ý nghĩa sâu rộng mà không phải ai cũng biết. Điều đó được minh chứng khá rõ qua những câu tục ngữ hàm chứa những lời răn dạy hoặc bài học cuộc sống.
Mới đây trong tập 3 của chương trình Vua Tiếng Việt mùa 2 có đưa ra một câu đố yêu cầu người chơi điền vào chỗ trống: "Đất lề...".
Rất nhanh, chỉ sau mấy giây, người chơi đã có thể trả lời chính xác đáp án: "Đất lề, quê thói".
Với câu đố này, chắc rằng đa số người Việt đều trả lời đúng đáp án vì câu tục ngữ "Đất lề, quê thói" (biến thể "Đất có lề, quê có thói") được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa sâu rộng của câu tục ngữ quen thuộc.
Câu tục ngữ được giải nghĩa như sau: "Đất lề" tức là lề luật, quy định quy tắc, thông lệ. Còn "Quê thói" nghĩa là cách thức, tục lệ, tập quán, phong tục… Nghĩa của câu "Đất lề, quê thói" gần giống với câu "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá" hoặc "Nhập gia tùy tục".
Theo đó, "Đất lề, quê thói" có nghĩa là ở địa phương nào thì cũng có những luật lệ, phong tục, thói quen. Khi đến địa phương đó chúng ta phải hiểu biết, tôn trọng lề luật, tập tục của họ để ứng xử cho phù hợp. Có những thói quen, lề luật ở đất khách không giống quê mình nhưng bản thân ta vẫn phải tôn trọng, tránh bị cho là kém duyên, hoặc nặng nề hơn là vi phạm quy tắc, quy định, luật lệ ở địa phương đó.
Câu tục ngữ không chỉ giúp chúng ta biết chú ý học hỏi các phép ứng xử phù hợp khi ra ngoài, mà còn dạy chúng ta biết hướng về cội nguồn, bởi vì lề luật hay thói quen đều do người dân ở địa phương đó mà ra.
Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm văn hiến tạo dựng nên bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, với điều kiện sống vùng miền và phương thức sản xuất sinh hoạt ngày xưa nên trong tương đồng vẫn có những dị biệt. Thế hệ trẻ cần giữ gìn những giá trị truyền thống đã được ông cha ta gầy dựng, thuận theo lối sống nền nếp để tạo nên bản sắc văn hóa cho dân tộc bao đời nay.
Câu tục ngữ như một lời răn dạy rằng dẫu đi đâu về đâu, cũng đừng bao giờ quên mảnh đất quê nhà với những phong tục, thói quen, lề lối đã nuôi ta lớn lên về cả tâm hồn và thể xác. Dẫu có địa vị cao sang, dẫu có xa cách bao nhiêu năm thì khi về đến cổng làng vẫn phải giữ được giọng nói và lề thói quê hương.
Bạch Dương