Cần sớm có Luật về sử dụng kháng sinh
Theo Ths Trần Diệu Linh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, kháng kháng sinh đang tạo gánh nặng lớn cho nền kinh tế xã hội, là mối đe dọa trên thế giới. Theo báo cáo toàn cầu năm 2016 thì đến nay, số lượng ca tử vong do kháng kháng sinh trên toàn thế giới là 700 nghìn ca và dự kiến đến năm 2050, tổng số ca tử vong do kháng kháng sinh khoảng 10 triệu ca, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tới năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ làm giảm từ 1,1-3,8% GDP toàn cầu do phải bỏ tiền để ứng phó với kháng kháng sinh và rất có thể nó sẽ làm cho nhiều người bị bệnh kháng kháng sinh phải rơi vào nghèo đói. WHO đã đưa Việt Nam vào tốp danh sách nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.
Trước mối đe dọa toàn cầu, gây tổn thất lớn cả về sức khỏe và kinh tế, các chuyên gia nghiên cứu về kháng kháng sinh đều cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn, để quản lý tình trạng mua bán kháng sinh bừa bãi.
TS Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế bày tỏ quan điểm, cần phải có nghiên cứu để thay đổi hành vi của người nông dân trong sử dụng kháng sinh khi chăn nuôi gia súc và hải sản. Hiện nay chưa có Luật cấm mua bán kháng sinh nên việc mua bán khá dễ dàng. Trong khi 70% thực phẩm ở Việt Nam được cung cấp bởi hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ và người dân thường tự chủ động mua kháng sinh cho con vật để phòng tránh vật nuôi ốm đau, làm giảm giá trị kinh tế.
Để giảm tình trạng dùng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, cần có cách tiếp cận với từng đối tượng, tuyên truyền và có cách chứng minh được lợi ích của người nông dân khi giảm và tiến tới không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Tại bệnh viện, cần phải kiểm soát nhiễm khuẩn tốt. Chính phủ phải có hỗ trợ và bao cấp cho hoạt động chống nhiễm khuẩn bệnh viện vì bệnh viện không tạo ra thu nhập từ hoạt động đó.
Ông Đặng Văn Chính cho rằng cần phải có Luật quy định đối với các bác sĩ trong việc kê kháng sinh khi chữa bệnh. Làm sao để không có lợi ích nhóm trong việc kê khai kháng sinh.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm, hiện nay ở một số nước như Đan Mạch, Nhật Bản, Singapore không thể mua kháng sinh nếu không có đơn của bác sĩ. Do đó, tại Việt Nam phải có Luật với chế tài xử lý chặt hành vi mua bán kháng sinh. Với các bệnh viện cần phải xây dựng thành tiêu chí phấn đấu cho bệnh viện, ví dụ về tỷ lệ % sử dụng kháng sinh trong bệnh viện một năm. Các cơ sở chăn nuôi nếu vi phạm sẽ bị cấm cung cấp thực phẩm hoặc thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng để người dân tẩy chay không mua. Để thay đổi hành vi không chỉ dừng ở tuyên truyền giám sát mà cần phải có biện pháp đồng bộ.
Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, TS Viên Quang Mai cũng cho rằng, phải cải thiện vấn đề chẩn đoán, giữa thế nào là nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus. Cần tăng cường năng lực chẩn đoán ở trong các cơ sở y tế cho người bệnh để tránh việc yêu cầu người bệnh phải tiến hành nhiều xét nghiệm, chụp chiếu... làm gia tăng chi phí khám bệnh, khiến người bệnh thường tự ý chọn phương pháp ít tốn kém bằng là tự chữa bệnh cho mình bằng kháng sinh.
TS Viên Quang Mai khẳng định, chúng ta phải chấp nhận thay đổi dần dần giống như phòng chống tác hại của thuốc lá. "Khi có tác động đủ mạnh từ Bộ Y tế và đưa ra Luật sử dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp thì mới có hành lang pháp lý để xử lý vấn đề này" - ông bày tỏ.
Trong hội thảo gần đây nhất về kháng kháng sinh, các chuyên gia tham gia dự án SATREPS cho rằng, Việt Nam phải xây dựng hệ thống giám sát quốc gia phù hợp tiêu chuẩn toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng. Hiện nay, tại Việt Nam, WHO đã hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc quốc gia. Tới đây, ngành Y tế sẽ tiến hành chương trình đào tạo ở các địa điểm giám sát kháng thuốc, thiết lập hệ thống phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia.
Hiện nay, hiện tượng vi khuẩn kháng đa thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối nguy tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng. Ở các nước đang phát triển, vi khuẩn kháng thuốc gia tăng gánh nặng của các bệnh nhiễm khuẩn và đi kèm với những chi phí điều trị do phải thay thế các kháng sinh cũ bằng kháng sinh mới đắt tiền. Ý thức được tầm quan trọng của việc kháng thuốc đối với người bệnh, cộng đồng và sự phát triển của xã hội, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ 2013 - 2020.
Theo Nhân Dân Điện Tử