Cần quản lý thông tin trên Internet về các vụ trẻ tự tử để ngăn hành vi bắt chước
Nếu việc bắt chước tự sát được xem như một "dịch cúm", các phương tiện truyền thông là một cách thức truyền bá thì người có “sức đề kháng” kém sẽ dễ bị ảnh hưởng.
Hội chứng bắt chước tự sát mù quáng
Tại Tọa đàm về phòng ngừa tự sát ở tuổi vị thành niên được Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức chiều 7/4, PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lo ngại, trước đây tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… có làn sóng bắt chước hành vi tự sát.
“Tức là người bệnh đọc tin tức về các nghệ sĩ tự tử, từ đó có hành vi tương tự. Một người bị sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều người”, PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn cảnh báo.
Theo đó, các nhà chuyên môn đã ước tính rằng, mỗi một vụ tự tử có tác động ít nhất đến cuộc sống của 6 người bên cạnh họ, có thể cần phải điều trị tâm lý.
Nếu đối tượng tự sát là một nhân vật của công chúng, tác động từ cái chết đó rộng hơn nhiều. Trong trường hợp này, tự sát thậm chí còn có thể “truyền nhiễm” như bệnh cúm, dẫn đến hiện tượng “bắt chước tự sát một cách mù quáng” (Copycat suicide).
Đây là hiệu ứng Werther (The Werther effect), cái tên xuất phát từ cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” (The Sorrows of Young Werther) của tác giả Johann Wolfgang von Goethe sau khi được xuất bản năm 1774 đã dấy lên hội chứng tự sát trong thanh niên lúc bấy giờ.
Hiệu ứng này đã kéo dài qua các thế kỷ, và gần đây một số sao Hoa ngữ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã tự kết thúc đời mình, hành vi này đã kéo theo “cơn sóng” nhỏ tự tử của những người hâm mộ. Bằng chứng nhiều cái chết để lại thư tuyệt mệnh giải thích có liên quan đến các sao hay thấy những tấm hình của các sao bên cạnh thi thể của nạn nhân…
Do đó, nhiều nhà tâm lý đã nhấn mạnh rằng nếu hiệu ứng Werther được xem như một "dịch cúm tự tử", còn các phương tiện truyền thông là một cách thức truyền bá thì những người có “sức đề kháng” kém sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất.
Những ai có cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn sẽ có một “sức đề kháng” cực tốt và ít bị ảnh hưởng bởi báo chí. Nhưng những cá nhân nhạy cảm sẽ có xu hướng bắt chước theo các vụ tự tử mà báo chí “ném bom” trên các phương tiện truyền thông.
Bởi theo lý thuyết học tập xã hội, nếu “hình mẫu” có đặc tính nổi bật hoặc có địa vị xã hội cao hơn thì việc bắt chước sẽ dễ dàng hơn. Do đó, việc báo chí khai thác quá chi tiết các vụ tự tử thật sự sẽ khiến người nhạy cảm “ngồi vào đúng chỗ”, ảnh hưởng quan trọng đến việc bắt chước tự sát.
Bố mẹ hãy bên con
Với 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên, không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia, mà phụ huynh, giáo viên cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ cho trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ từ đó ngăn chặn hành vi tự sát của trẻ.
“Những thời gian xã hội lock down hoặc trong bối cảnh gia đình có những biến động bất thường: bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc người thân mất… thì trẻ dễ đối diện với nguy cơ trầm cảm. Nhận diện các dấu hiệu bất thường ở trẻ là chìa khóa giúp trẻ vượt qua những vấn đề về tâm lý”, PGS Tuấn nói.
Thông thường những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý bao gồm: giảm các mối quan hệ tương tác với bạn bè, gia đình; giảm tham gia các hoạt động xã hội; giảm sút học tập, không quan tâm đến vẻ ngoài, dễ cáu gắt, giận dữ… 90% các trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều có bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Các cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng con cái như những người “bạn” của con mình.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để ngăn ngừa hành vi tự sát ở trẻ, cần sự chung tay của nhà trường, giáo viên, bạn bè và cả gia đình...
Theo đó, khi một đứa trẻ đang vui vẻ, hoạt bát hoặc trầm tĩnh bỗng nhiên thay đổi ngược lại, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi ăn uống… là những dấu hiệu gợi ý mà bố mẹ cần quan tâm đến con hơn.
Đặc biệt, khi trẻ nói bóng gió về tự sát, hoặc nói cảm thấy mình không có giá trị, không có ý nghĩa với cuộc đời thì bố mẹ không nên gạt đi mà đó là những dấu hiệu khởi đầu của hành vi, mong muốn tự sát ở trẻ.
“Trên 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. Một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, PGS. Tuấn lưu ý.
Ngoài ra, PGS, Tuấn cũng nhấn mạnh đến việc quản lý thông tin mạng cũng cần được lưu ý, tránh tình trạng bắt chước hành vi tự sát.
Chính vì vậy để ngăn ngừa việc bắt chước tự sát, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều quốc gia đã có những văn bản hướng dẫn truyền thông đăng tải thông tin về các vụ tự tử.
Theo đó, WHO khuyến cáo các phương pháp tự tử không được nêu chi tiết, các hình ảnh và video tự sát nhạy cảm phải được che mờ, không được cổ súy hành vi tự sát bằng những từ ngữ “thi vị”,... Trong các bài báo cần tập trung vào nội dung giáo dục, cảnh báo và cứu trợ.
Trong một số nghiên cứu, nữ giới có ý định tự tử cao gần như gấp đôi nam giới. Cụ thể, tại kết quả điều tra SAVY II do Bộ Y tế thực hiện năm 2010 cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên có ý nghĩ tự tử ở thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (5,4% so với 3,6%), và cũng cao hơn trong các nhóm tuổi trẻ hơn.
Vẫn theo báo cáo này, nhóm tuổi 18-21 báo cáo có ý nghĩ tự tử cao nhất (4,4% trong tổng số thanh niên tuổi từ 18-21), tiếp đó là nhóm tuổi trẻ nhất (4,1% trong tổng số trẻ 14-17 tuổi), rồi đến nhóm tuổi lớn nhất (3,8% số thanh niên tuổi từ 22-25).
Ngoài ra, kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy những trường học nằm trong khu vực nội thị thường có tỷ lệ học sinh có ý định tự tử cao hơn, ở cả nhóm trẻ em trai và gái; điều này được phát hiện thấy ở cả Việt Nam (Phương et al., 2013; BYT, 2005).
N. Huyền