Cần đánh giá tác động toàn diện các cam kết về lao động trong TPP

Trước cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, phải tiến hành đánh giá tác động của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng như trong Kế hoạch hành động với Hoa Kỳ đối với Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ.
Cần đánh giá tác động toàn diện các cam kết về lao động trong TPP - ảnh 1

Ảnh minh họa: voh.com.vn

Theo công bố,[2] ngoài Lời nói đầu và Phụ lục, Hiệp định TPP gồm 30 chương, 516 điều.[3]Hiệp định TPP có phạm vi rộng, bao phủ toàn diện, xác lập các tiêu chuẩn cao, cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực khác nhau với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường mà Việt Nam đã tham gia. Đối với Việt Nam, trong tổng số 14 FTA mà Việt Nam tham gia,[4] Hiệp định TPP là FTA đầu tiên có chương riêng về lao động.[5]

Chương 19 của Hiệp định TPP quy định về lao động, gồm 15 điều và được đánh giá là Hiệp định có các điều khoản về lao động chặt chẽ nhất so với tất cả FTA trong lịch sử.[6] Trong đó, các quốc gia thành viên khẳng định cam kết thực thi nghĩa vụ  là thành viên ILO và các nghĩa vụ nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc (Tuyên bố năm 1998 của ILO); không sử dụng các tiêu chuẩn về lao động nhằm mục đích bảo hộ thương mại. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm trong pháp luật và thực tế quy định về điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và an toàn vệ sinh lao động. Việc vi phạm các cam kết về lao động có thể dẫn đến việc bị áp dụng chế tài thương mại… Bên cạnh đó Hiệp định quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và cơ chế hợp tác về lao động.

Có phải phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO để thực hiện các cam kết về lao động trong TPP hay không?

Nội dung cơ bản của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP viện dẫn đến 4 nhóm quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc như nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. Theo ILO, các quyền và nguyên tắc cơ bản này được quy định trong 8 Công ước của ILO. Đồng thời, Tuyên bố năm 1998 của ILO lại không bắt buộc các quốc gia thành viên phải phê chuẩn các Công ước cơ bản mà yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng, ghi nhận và bảo đảm các nguyên tắc và quyền nêu trong 8 Công ước cơ bản với tư cách là thành viên ILO ngay cả khi quốc gia thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước này. Như vậy, cam kết về lao động trong TPP không bắt buộc quốc gia thành viên phải phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.

Trên thực tế, chỉ 2/12 quốc gia thành viên đã phê chuẩn cả 8 Công ước cơ bản. Hoa Kỳ, quốc gia thành viên thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc đưa các điều khoản chặt chẽ và tiêu chuẩn cao về lao động trong Hiệp định TPP lại là quốc gia phê chuẩn ít Công ước cơ bản nhất. Việt Nam đã phê chuẩn 5 trong tổng số 8 Công ước cơ bản của ILO,[7]  hầu hết các nội dung của 5 Công ước cơ bản mà Việt Nam đã phê chuẩn đã được nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam nhưng ở mức độ khác nhau và cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.[8]

“Kế hoạch Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động” có phải là TPP “con” trong lĩnh vực lao động?

Song song với Hiệp định TPP, các cam kết về lao động của Việt Nam còn được quy định trong Kế hoạch của Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động” (United States – Vietnam Plan for the Enhancement of Trade and Labour Relations – sau đây viết tắt là Kế hoạch hành động). Hoa Kỳ là thành viên duy nhất thuộc nước phát triển phát triển đưa ra kế hoạch và yêu cầu cụ thể trong hợp tác về lao động với Việt Nam, Malaysia và Brunei; trong khi, các thành viên khác như Nhật Bản, Canada, New Zealand, Úc lại không đặt vấn đề hợp tác về lao động trong TPP.

Kế hoạch hành động[9] này gồm 8 mục lớn với các nội dung cơ bản như sau:

-     Yêu cầu Việt Nam sửa đổi các quy định trong nước nhằm: (i) Bảo đảm quyền tự do thành lập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ ở cơ sở. Tổ chức đại diện cho người lao động có thể hoặc đăng ký với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức đại diện người lao động đăng ký với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều có quyền như nhau. Tổ chức đại diện người lao động ở cấp cơ sở có quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động cấp liên doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn, gồm cả cấp ngành và cấp vùng. (ii) Bảo đảm sự độc lập của tổ chức đại diện người lao động, Việt Nam phải bảo đảm các quy định của pháp luật không bắt buộc các tổ chức đại diện lao động đăng ký  với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện Điều lệ công đoàn Việt Nam mà có thể tự ban hành và thực hiện theo điều lệ của tổ chức mình. (iii) Bảo đảm nghiêm cấm sự can thiệp của người sử dụng lao động vào hoạt động của tổ chức đại diện lao động.

-  Quy định nghĩa vụ của Việt Nam về cải cách về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng Chương trình, chiến lược phòng chống lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; nghĩa vụ công khai minh bạch thông tin; tuyên truyền, giáo dục cho người lao động và người sử dụng lao động; thành lập Đầu mối liên lạc, nâng cao năng lực cán bộ thanh tra. Kế hoạch hành động xác định cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát, đánh giá việc thực thi và chế tài.

- Về hiệu lực thi hành, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các cam kết về cải cách pháp luật và thể chế trước ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Hoa Kỳ và Việt Nam trừ quy định về việc “Tổ chức đại diện người lao động ở cấp cơ sở có quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động cấp liên doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn, gồm cả cấp ngành và cấp vùng” sẽ được Việt Nam thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Hoa Kỳ và Việt Nam.

- Đặc biệt, Kế hoạch hành động sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Chương 28 của Hiệp định TPP (ngoại trừ quy định về sự tham gia của bên thứ 3 tại Điều 28.13). Đồng thời, các quy định của Chương 29 Hiệp định TPP về các ngoại lệ cũng áp dụng cho bản Kế hoạch này.

Có thể nhận thấy, mặc dù tên gọi của Kế hoạch này là nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và lao động nhưng nội dung chỉ tập trung vào vấn đề lao động. Mặc dù là thỏa thuận song phương nhưng nội dung của Kế hoạch hành động chỉ quy định nghĩa vụ của Việt Nam là chính. Nếu đối chiếu các cam kết trong TPP và nội dung của Kế hoạch này với 10 mục tiêu về lao động[10] mà Hoa Kỳ đặt ra khi đàm phán TPP thì có thể thấy Hoa Kỳ đã thành công hơn trong đàm phán về lao động và đã đạt được tất cả các mục tiêu cơ bản mà Hoa Kỳ đặt ra đối với vấn đề này.

Mặt khác, các yêu cầu về lao động trong Kế hoạch hành động thực chất là sự giải thích các yêu cầu của Tuyên bố năm 1998 của ILO, tập trung vào các quy định của ILO về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Tuy nhiên, lại có nội dung còn vượt quá cả yêu cầu của ILO và chưa đề cập đến trường hợp mà ILO cho là ngoại lệ. Ví dụ như, theo quan điểm của ILO, sự đơn nhất trong tổ chức của hệ thống công đoàn không phải là vi phạm nguyên tắc về tự do hiệp hội nếu như nó xuất phát từ sự thống nhất bên trong của phong trào công đoàn và xuất phát từ nguyện vọng của người lao động vì lợi ích của người lao động.[11]  Theo ILO, chỉ coi là vi phạm nguyên tắc tự do hiệp hội khi sự đơn nhất trong tổ chức công đoàn được hình thành và áp đặt bởi các quy định của pháp luật.[12] Có ý kiến cho rằng, các cam kết trong Kế hoạch hành động này là lộ trình thực hiện công đoàn độc lập ở Việt Nam.[13]

Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá xem việc tổ chức mô hình đại diện người lao động độc lập và song song tồn tại với Công đoàn Việt Nam có phù hợp với quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013[14] hay không? Có phải sửa đổi Hiến pháp hay không? Cần xác định rõ hình thức pháp lý của Kế hoạch hành động này là gì thẩm quyền ký, phê chuẩn Kế hoạch này ra sao? Kế hoạch hành động này có chứa đựngquy định về quyền của người lao động (quyền thành lập tổ chức đại diện lao động – quyền lập hội), có yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật trong nước (trong đó có luật do Quốc hội ban hành)… Với nội dung như vậy, căn cứ vào Hiến pháp,[15] Kế hoạch hành động này có phải trình Quốc hội để phê chuẩn không? Trường hợp Quốc hội không phê chuẩn thì cơ chế và hậu quả pháp lý sẽ ra sao?Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động này chỉ có hiệu lực với Việt Nam và Hoa Kỳ, vậy liệu việc không ký, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ có ảnh hưởng gì đến tư cách thành viên của Việt Nam trong TPP không? Tác động của việc này về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội… ra sao cũng cần phải được tham vấn và nghiên cứu kỹ lưỡng.

 Một số kiến nghị

Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ được ký kết trong Quý 1 của năm 2016, và sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi tất cả các nước thành viên đã thông qua TPP. Theo dự báo, thời gian để các quốc gia thành viên phê chuẩn có thể kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Như vậy, Hiệp định TPP có thể sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018.[16]

Trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP, việc đánh giá tác động của các cam kết đã được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và các chủ thể tham gia đàm phán. Tuy nhiên, các nội dụng của Hiệp định được giữ bí mật, do đó, việc tham vấn các đối tác xã hội và các bên liên quan đến các nội dung của Hiệp định hầu như chưa được thực hiện đầy đủ.Đến nay, Dự thảo của Hiệp định và Dự thảo Kế hoạch hành động đã được công bố, chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng dịch các Dự thảo này ra tiếng Việt để nghiên cứu, phổ biến và tham vấn các bên liên quan như độingũ cán bộ làm công tác quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người lao động… những chủ thể sẽ trực tiếp thực thi Hiệp định trong tương lai.

Đối với lĩnh vực lao động, những nội dung cơ bản như phân tích ở trên cho thấy cam kết về lao động của Việt Nam trong Hiệp định TPP và trong Kế hoạch hành động là những cam kết cải tiến pháp luật và thể chế mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ và có nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được nghiên cứu làm rõ. Việc thực hiện các cam kết này sẽ có tác động làm thay đổi cơ bản hệ thống quan hệ lao động và công đoàn nước ta. Trước cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, chúng tôi thiết nghĩ phải tiến hành đánh giá tác động của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng như trong Kế hoạch hành động với Hoa Kỳ đối với Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ.

Phạm Trọng Nghĩa  

(Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ, Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu của Đại học Oxford và Đại học Princeton (The Oxford-Princeton Global Leaders Fellowship Program).

--------------------------------

[2]Bài viết này sử dụng Dự thảo Hiệp định TPP đăng tải trên website của Bộ Noại giao New Zealand tại địachỉhttp://www.mfat.govt.nz/Treaties-and-International-Law/01-Treaties-for-which-NZ-is-Depositary/0-Trans-Pacific-Partnership-Text.php[truy nhập 6/11/2015].

[3] Số lượng các điều khoản trong mỗi chương có sự khác biệt lớn. Chương có ít điều nhất là Chương I về điều khoản ban đầu và giải thích từ ngữ và Chương 24 về Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có 3 điều, trong khi Chương 18 về sơ hữu trí tuệ có 83 điều.

[4] Trong đó, 8 FTA đang có hiệu lực, 3 FTA đã ký (VN – Lào, VN- Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu), 2 FTA đã kết thúc đàm phán (TPP, VN-EU), 1 FTA đang đàm phán (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

[5]Ngày 4/8/2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán. Trong VN-EU FTA, vấn đề lao động được đưa vào nội dung về Thương mại và Phát triển bền vững cùng vấn đề môi trường, sự tham gia của công chúng, minh bạch và trách nhiệm giải trình… chứ không đưa thành Chương riêng về Lao động như Hiệp định TPP.

[6] Điều này cũng được phía Hoa Kỳ công nhận. Xem TPP Protecting Workers. Tại địa chỉhttps://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Protecting-Workers-Fact-Sheet.pdf[truy nhập 6/11/2015].

[7]Từ khi tái gia nhập ILO vào năm 1992, tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 21 trong tổng số 189 Công ước của ILO. Đối với 8 Công ước cơ bản, Việt Nam đã phê chuẩn 5 Công ước gồm:Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức (phê chuẩn ngày 5/3/2007);Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ (phê chuẩn ngày 7/10/1997);Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử trong công việc (phê chuẩn ngày 7/10/1997);Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc (phê chuẩn ngày 24/6/2003); vàCông ước số 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (phê chuẩn ngày 19/12/2000).

[8]Xem Phạm Trọng Nghĩa. 2014,Thực hiện các Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam: Cơ hội và Thách thức, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[9]Bài viết này sử dụng Dự thảo Kế hoạch của Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động đăng tải trên website của Bộ thương mại Hoa Kỳ tại địa chỉ https://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Final-Text-Labour-US-VN-Plan-for-Enhancement-of-Trade-and-Labor-Relations.pdf[truy nhập 8/11/2015].

[10]Xem “The TPP: Detailed summary of U.S. Objectives”. Tại địa chỉ https://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Detailed-Summary-of-US-Objectives.pdf[truy nhập 8/11/2015].

[11] ILO 2006.  Digest, p. 67 (para. 319).

[12] CFA: Case No. 2348, Report No. 338, para. 995; Case No. 1963, Report No. 320, para. 220; Case No. 2067, Report No. 324, para. 998.

[13] Xem: Labor Reform in Vietnam, Tied to Pacific Trade Deal, Depends on Hanoi’s Follow-Up. Tại địa chỉhttp://www.nytimes.com/2015/11/06/business/international/vietnam-tpp-trade-agreement-labor-reaction.html[truy nhập 6/11/2015].

[14] Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

[15]Khoản 14, Điều 70 Hiến pháp quy định thẩm quyền của Quốc hội “…phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực củađiều ước quốc tế liên quan đếnchiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vàđiều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội”.

[16] Xem; “Hiệp định TPP có thể có hiệu lực từ đầu năm 2018”. Tại địa chỉ http://vietstock.vn/2015/10/hiep-dinh-tpp-co-the-co-hieu-luc-tu-dau-nam-2018-768-442702.htm [truy nhập 12/11/2015].

Kỹ sư công nghệ về quê nuôi ốc, thu nhẹ lãi nửa tỷ mỗi năm

Sau hơn 4 năm về quê khởi nghiệp, đến nay chàng kỹ sư trẻ đang sở hữu trại ốc sinh sản với 22 ao bạt cùng khoảng 6.000m2 hồ nuôi ốc thương phẩm. Mỗi năm, anh nhẹ nhàng bỏ túi tiền lãi gần nửa tỷ đồng.

Chương trình Net Zero của Vinamilk nhận giải Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á

Vinamilk là doanh nghiệp ngành sữa duy nhất của châu Á được vinh danh tại hạng mục “Green Leadership” (Lãnh đạo xanh) trong khuôn khổ giải thưởng Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á (AREA).

Ngân hàng chưa mạnh tay phong tỏa, khóa tài khoản lừa tiền, vì sao?

Một ngân hàng lớn đã lên danh sách các tài khoản đáng ngờ suốt 3 năm nay. Từ 1/7, các ngân hàng có quyền mạnh tay quyết định phong tỏa hoặc đóng tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.

SHB - ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho doanh nghiệp SME

Với các giải pháp tài chính bền vững cùng sản phẩm, dịch vụ số đa dạng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, SHB vừa được vinh danh là “ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho doanh nghiệp SME”.

Khách chuyển khoản đi, tiền bị phanh lại, ngân hàng gửi tin nhắn sững sờ

Câu chuyện một khách hàng chia sẻ, khi một người nhắn tin đề nghị chuyển khoản thanh toán cho món hàng vừa ship, chị thực hiện chuyển tiền, bất ngờ giao dịch bị phanh lại cùng dòng chữ cảnh báo khiến khách vô cùng kinh ngạc.

Xác thực sinh trắc học không có nghĩa là không còn tồn tại lừa đảo

Xác thực sinh trắc học sẽ làm “sạch” tài khoản ngân hàng, ngăn chặn được mua bán hay cho thuê tài khoản. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối để phòng chống lừa đảo trực tuyến.

TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn Top Cup hoàn toàn mới

Tập đoàn TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn Top Cup cao cấp, hoàn toàn từ thiên nhiên, được coi là một “thế hệ sữa chua mới”, với cách thưởng thức độc đáo khi kết hợp sáng tạo sữa chua sánh mịn cùng phần Top Cup (topping) để riêng mới lạ.

Imexpharm khởi động dự án nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp

Ngày 3/7, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm và Deloitte Việt Nam khởi động dự án nâng cấp hệ thống SAP ECC lên SAP S/4HANA, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn cho khách hàng và đối tác.

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền sẽ giải quyết triệt để vấn nạn lừa đảo

Khi đã đăng ký xác thực khuôn mặt, nếu người dùng lỡ bị kẻ lừa đảo lấy được mã đăng nhập và mã giao dịch thì lệnh chuyển tiền đó vẫn không thể thực hiện được, do khuôn mặt xác thực không phải của chủ tài khoản.

KEL Award - vinh danh những tài năng xuất sắc trong thương mại điện tử B2B

Giải thưởng dành cho Nhà lãnh đạo Thương mại Điện tử (KEL Award) lần đầu tiên, được thiết kế để vinh danh những nhà cung cấp thương mại điện tử xuất sắc trong các khu vực Nam Á và Đông Nam Á.