Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non: Phụ huynh bất bình
Theo nội dung văn bản này, các cơ sở giáo dục mầm non không cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ, không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng.
Tuy nhiên, sau khi ban hành văn bản có hiệu lực, đã có nhiều ý kiến không đồng tình của các bậc phụ huynh, vì trên thực tế nhiều gia đình có nhu cầu dạy ngoại ngữ cho trẻ ở độ tuổi mầm non.
Anh Phạm Văn Tài (Hà Đông), hiện có con học ở trường mầm non cho biết: “Từ khi gia đình cho cháu đi mầm non, tôi đã đăng ký cho con học ở một Trung tâm ngoại ngữ, tuần 3 buổi. Sau một thời gian học ngoại ngữ, tôi có cảm nhận cháu năng động hơn và rất thích giờ học tiếng Anh...”
Theo anh Tài, việc học ngoại ngữ giúp trẻ em làm quen với ngôn ngữ mà về sau rất cần thiết cho học hành, giao tiếp, cũng như công việc tương lai của cháu. Anh không đặt nặng việc ở lớp mầm non con học được gì mà chỉ cần bé tiếp xúc, thích khám phá về những điều mới.
Bộ GD&ĐT quy định các cơ sở mầm non cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ |
Anh Tài kiến nghị: “Việc học ngoại ngữ ở các trường mẫu giáo chỉ là do nhu cầu của phụ huynh chứ nhà trường không bắt buộc nên không cần thiết phải cấm dạy. Bộ nên cấm các cơ sở giáo dục, các trung tâm dạy ngoại ngữ cho trẻ không đảm bảo chất lượng, tiêu chí… do Bộ đặt ra thì tốt hơn.”
Còn chị Phạm Thị Dung (Ba Đình) đang có con đang học tại Trường mầm non Greenworld cho biết, mỗi tháng mất học phí cho cháu là 4,5 triệu đồng. Nếu cháu nhà chị đăng ký học tiếng Anh, mỗi buổi mất thêm phí tới 50.000 đồng, tuần 3-5 buổi.
Chị Dung lý giải: “Gia đình có nhu cầu muốn cho cháu tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, song hành với tiếng mẹ đẻ, sau này khi học các lớp cao hơn cháu có điều kiện phát huy khả năng tiếng Anh của mình…Việc Bộ cấm dạy ở các trường mầm non, nhưng do nhu cầu của gia đình, nên mình không thấy ảnh hưởng gì cả”.
Mặc dù Bộ GD&ĐT ra văn bản cấm dạy ngoại ngữ, nhưng nhu cầu của nhiều phụ huynh vẫn cho con học ngoại ngữ ở các trung tâm |
Theo chị Dung, vì độ tuổi này các cháu học ngoại ngữ là rất tốt, nhớ nhanh và nhớ lâu hơn so với các độ tuổi khác. “Bộ nên khuyến khích các cơ sở mầm non dạy ngoại ngữ thì tốt hơn, Bộ GD&ĐT ra văn bản cấm dạy tiếng Anh tôi thấy chưa hợp lý, khoa học và làm khó các cơ sở giáo dục mầm non, gia đình có con đang ở độ tuổi mầm non có nhu cầu học ngoại ngữ…” – Chị Dung nêu quan điểm.
Còn chị Lưu Thị Hà, (Đống Đa) có con học trường mầm non Hoa Sen cho rằng: “Thầy cô giáo là người có vai trò tác động lớn đến trẻ nhỏ, đặc biệt là trong việc dạy ngoại ngữ. Các trẻ trong độ tuổi mầm non được học ngoại ngữ là điều rất tốt.
Đây là độ tuổi dễ tiếp thu nên khi được tiếp xúc với ngoại ngữ thì các trẻ sẽ dễ dàng làm quen. Tuy nhiên, đối với trẻ lần đầu tiếp xúc với ngôn ngữ mới, nếu thầy cô phát âm không chuẩn thì sẽ khiến trẻ nói về sau rất khó nghe, không chính xác…”.
Theo chị Hà, Bộ nên nghiên cứu kỹ rồi mới ra quyết định có nên cấm dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non hay không. Ở các nước tiên tiến, trường mầm non đều đã được dạy song ngữ, tại sao ở Việt Nam lại làm ngược lại?
Chị Hà kiến nghị: “Việc Bộ lấy lý do không đủ thời gian dạy các chương trình khác, sợ dạy không đạt hiệu quả là chưa thuyết phục. Theo tôi, Bộ nên có một cơ quan kiểm định chất lượng các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ… đơn vị nào đạt tiêu chuẩn của Bộ đề ra, thì cho kết hợp với các trường mầm non dạy ngoại ngữ cho trẻ, khi phụ huynh có nhu cầu. Như vậy, rất thiết thực, hiệu quả cho trẻ học ngoại ngữ và phổ cập ngoại ngữ…”