Cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, Bắc Giang đứng thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư FDI
9 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cao, xếp thứ 6 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hải Phòng.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã thu thu hút được gần 1.080 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 20 dự án FDI, vốn đăng ký 274,6 triệu USD, bằng 42,7%; điều chỉnh 31 dự án FDI tổng vốn tăng thêm 555,97 triệu USD, gấp 3,3 lần.
Theo đó, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 173 triệu USD.
Toàn tỉnh hiện có 505 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, với số vốn đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD.
Tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang từ đầu năm đến nay đã thu hút đầu tư được 15 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 257,4 triệu USD.
Đến nay, tổng số các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp là 431 dự án, trong đó có 318 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,141 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 4,96 tỷ USD, bằng 69,45% tổng vốn đăng ký.
Để có được kết quả trên, những năm qua, Bắc Giang đã thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính.
Cụ thể, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo dựng môi trường, đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Nhờ đó, tỉnh Bắc Giang tạo được sự đồng bộ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách toàn diện đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và tạo dựng lợi thế tích cực cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Cùng đó thành lập các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo là các cán bộ, chuyên gia có trình độ, năng lực, tâm huyết để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ, hằng quý, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức gặp mặt để trực tiếp trao đổi, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở thật sự vào cuộc đồng hành cùng các nhà đầu tư trong hoạt động từ cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho đến chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư…
Nhờ đó chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang luôn được cải thiện và thăng hạng, đưa Bắc Giang nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố có số dự án đầu tư vốn nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Bắc Giang đang trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện tỉnh Bắc Giang có 8 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 1.260,3 ha; 3 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích 532,3 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 71,1%.
Tỉnh có 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.728 ha, trong đó có 31 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 969 ha, tỷ lệ lấp đầy là 81,6%, có 14 cụm công nghiệp đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư cũng như quá trình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Nhờ môi trường đầu tưkinh doanh ngày càng được cải thiện với chính sách thông thoáng nên những năm gần đây Bắc Giang có tốc độ phát triển nhanh.
Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song tỉnh Bắc Giang luôn luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cùng doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Chính vì thế, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, tạo công việc, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Đơn cử như Công ty TNHH Ce Link Việt Nam là doanh nghiệpđến từ Hồng Kông, chuyên sản xuất dây cáp trần, bộ chuyển đổi tín hiệu, nguồn điện, nguồn PC, tai nghe. Năm 2021 doanh thu của Công ty đạt 1.800 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 3 tỷ đồng. Công ty hiện có 2.748 công nhân, lao động, với thu nhập bình quân của công nhân 8,5 triệu/người/tháng.
Công ty TNHH sản xuất Sanwa Việt Nam là doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất gia công cắt kim loại. Năm 2021 doanh thu của Công ty đạt 18 triệu USD, đóng góp ngân sách nhà nước hơn 7 tỷ đồng. Công ty hiện có 320 công nhân, lao động với thu nhập bình quân của công nhân 8 triệu/người/tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Đồng thời luôn lắng nghe, chia sẻ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Hải Yến