Cách nào ngăn chặn tình trạng trẻ em bị lừa đảo trên mạng xã hội?
Trong số các thiếu niên bị lừa đảo qua mạng xã hội có thể kể đến trường hợp em T.T.A. (15 tuổi, trú huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Trước đó vào khoảng tháng 8/2022, thông qua mạng xã hội Facebook, T.T.A. quen biết một số người và được rủ sang Campuchia làm ăn. Nhóm người hứa hẹn sẽ sắp xếp, bố trí cho A. “việc nhẹ, lương cao”.
Tin lời người lạ, khoảng 2h ngày 2/9, T.T.A. không thông báo với gia đình, mang theo ít quần áo rồi dắt xe máy đi ra khỏi nhà. Rất may, sau đó gia đình phát hiện và báo cơ quan công an tại địa phương. Lập tức Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với lực lượng chức năng quận 3, TP.HCM và Công an tỉnh Tây Ninh thực hiện nghiệp vụ để ngăn chặn nhóm buôn người đưa nạn nhân qua Campuchia. T.T.A. được Công an TP.HCM trao trả cho gia đình đưa trở về nhà an toàn.
Không may mắn như T.T.A khi được lực lượng chức năng giải cứu kịp thời, em Y.L (16 tuổi, trú tại xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) sau 5 lần bị bán sang nhiều công ty khác nhau ở Campuchia thì em mới được giải cứu và đưa về nước.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Y.L có quen biết với một người đàn ông có tài khoản mạng xã hội Facebook mang tên Lê Ngọc Nhất. Sau đó, Nhất tung tin một công ty Trung Quốc tại Campuchia đang tuyển nhân viên “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ Y.L. Đối tượng Nhất cam kết sang Campuchia nếu không làm được sẽ chi trả tiền để Y.L đón xe về Việt Nam.
Thế nhưng sang đến Campuchia, Y. L liên tục được bán cho nhiều công ty khác nhau. Sau hơn 3 tháng lưu lạc nơi xứ người, chiều 20/8, Y.L mới được giải cứu, đưa về Việt Nam.
Những vụ lừa đảo qua mạng xã hội này khiến các bậc phụ huynh dấy lên lo ngại về việc làm sao bảo vệ con em mình trước các hành vi phạm tội tinh vi trên không gian mạng.
Trao đổi với phóng viên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng rất liều lĩnh, tinh vi, coi thường pháp luật.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là nhiều nạn nhân là người dưới 16 tuổi. Trong khi đó, theo quy định của luật pháp, người dưới 16 tuổi ở Việt Nam được xác định là trẻ em, là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và đặc biệt là nhận thức về xã hội còn quá non nớt. Vậy nên khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng mà thiếu sự kiểm soát của cha mẹ thì rất dễ trở thành nạn nhân bị bắt nạt, bị xúc phạm, bị lừa đảo, thậm chí bị lạm dụng tình dục...
“Bởi vậy để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thì chỉ dựa vào bộ quy tắc ứng xử thôi là chưa đạt hiệu quả mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ trẻ em.
Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, đặc biệt là trường hợp các em có sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet, có sử dụng tài khoản mạng xã hội”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Cường, trong thời gian dịch bệnh, trẻ em phải học online, bởi vậy nhiều phụ huynh đã trang bị cho con điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị thông minh có kết nối internet và các tài khoản mạng xã hội. Điều đáng lo ngại là, mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, học sinh trở lại trường học trực tiếp nhưng nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục cho con sử dụng thiết bị thông minh có kết nối internet và có phần lơ là, chảnh mảng với việc quản lý con cái trên không gian mạng. Do đó, đây chính là thời điểm rất dễ phát sinh ra các vụ việc trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng.
Luật sư Cường cho rằng, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của các bậc phụ huynh và của nhà trường. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục đặc biệt là giáo dục kỹ năng của trẻ em trên không gian mạng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với trẻ em trên không gian mạng và tuyên truyền phổ biến để mọi người cùng thực hiện. Các bậc phụ huynh cũng cần phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc giáo dục và quản lý con cái trên không gian mạng.
N. Huyền