Các "cao thủ" Giải Quốc gia môn Sử "bật mí" bí quyết
Sáng 24/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam tổ chức tuyên dương và trao thưởng cho 217 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn lịch sử năm 2014.
Dưới đây là chân dung và chia sẻ của những "cao thủ" đoạt giải quốc gia môn sử với PV Infonet:
1. Nguyễn Thị Kiều Trang (giải Nhất)
Hiện đang là học sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, với giải thưởng này em đã góp phần giúp Vĩnh Phúc vượt lên dẫn đầu các địa phương với 2 giải nhất và 5 giải nhì. Trang chia sẻ, những câu chuyện về thời kháng chiến chống Mỹ qua lời kể của bà ngoại đã tiếp cho em niềm đam mê với môn học này.
Với những bạn sắp thi ĐH, CĐ sắp tới về kinh nghiệm làm bài tốt môn sử, Trang bật mí: "Bài thi nên có đoạn mở đầu và đoạn chốt, trong đó cần có những dấu ấn cá nhân để thu hút người đọc".
2. Trần Phương Thúy (giải Nhất)
Thúy là một trong hai học sinh của trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) giành giải Nhất kỳ thi HSG quốc gia năm 2014. Bí quyết của em là gắn những mốc thời gian của lịch sử vào các ngày sinh nhật của bạn bè, để vừa nhớ một cách tự nhiên mà vừa được lâu. Ngoài ra, theo Thúy việc trình bày bài thi rõ ràng, mạch lạc cũng sẽ giúp đạt điểm số cao hơn trong những bài thi môn này.
3. Nguyễn Thị Anh (giải Nhất)
Đến từ lớp 12A13 trường THPT Mỹ Đức A-Hà Nội. Nguyễn Thị Anh đã giúp Hà Nội lần đầu tiên có học sinh đạt giải Nhất trong kỳ thi quốc gia môn lịch sử.
Một trong những điều thúc đẩy em đam mê với sử học, cũng là một câu nói mà Anh tâm đắc cho việc nên học lịch sử là: “Lịch sử là thầy giáo của cuộc sống”, từ những bài học trong quá khứ sẽ giúp bản thân rút ra được kinh nghiệm trong tương lai.
“Không nên sợ môn học này, hãy làm bài thi lịch sử theo niềm tự hào dân tộc của bản thân mình. Để chuẩn bị tốt cho việc thi ĐH, cần giải đề thường xuyên kèm theo sự hướng dẫn của giáo viên”, Anh chia sẻ.
4. Trần Thị Thu Thủy (giải Nhất)
Thủy hiện đang học lớp 12 Sử THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Thủy chia sẻ, những sự kiện trong SGK quá nhiều đôi khi gây khó khăn cho người học, trong các bài thi không biết nên lấy sự kiện nào. Theo Thủy, để nắm được một cách hệ thống, dễ nhớ thì cần triển khai các sự kiện và mốc thời gian theo sơ đồ tư duy-hình cây.
Về thực trạng nhiều học sinh không lựa chọn môn sử, theo Trang, không phải là các bạn không thích môn học này mà một phần do cơ hội việc làm liên quan môn sử hiện còn hạn chế, nên các bạn chuyển sang đầu tư vào các môn học khác.