Cà Mau chú trọng phát triển vùng kinh tế biển và ven biển
Cà Mau là địa phương vừa có vị trí chiến lược quan trọng vừa là vùng đất có tiềm năng kinh tế đa dạng và phong phú. Hiện tỉnh có 8 huyện nhưng 6 trong số đó được xếp vào loại vùng kinh tế biển và ven biển, gồm các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển và Dầm Dơi.
Về thuỷ sản, mỗi năm sản lượng toàn tỉnh trên 500.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 1,1 tỷ USD. Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2020 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 1,7 tỷ USD và đến năm 2030 sẽ đạt 2,5 tỷ USD.
Bên cạnh về nguồn lợi thuỷ sản, Cà Mau còn có tiềm năng về rừng, du lịch, dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải biển, hàng hải, logistics…
![]() |
Bên cạnh phát triển kinh tế biển, Cà Mau còn tập trung xây dựng an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. (Ảnh: Ngọc Thu - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cà Mau) |
Tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Cảng Năm Căn, Cảng biển Sông Đốc để trở thành địa phương phát triển kinh tế quan trọng của khu vực.
Tập trung khai thác thế mạnh các đảo, bờ biển để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc; ngoài ra ưu tiên đầu tư xây dựng đảo thanh niên Hòn Chuối.
Bên cạnh kinh tế biển và ven biển, Cà Mau còn tập trung xây dựng thành điểm phục vụ hậu cần đối với hoạt động an ninh – quốc phòng, gắn với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia.
Để đạt được mục tiêu trên, Cà Mau tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành trung ương, sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển; tuyền truyền tạo sự đồng thuận toàn xã hội; nâng chất lượng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch gắn với nâng chất lượng nguồn nhân lực.