Bùng phát dịch bệnh lạ ở miền nam Afghanistan
Kênh truyền hình Tolo News đưa tin hôm 20/12 sau khi dẫn thông tin từ cơ quan y tế địa phương do Taliban thành lập cho hay, trong ngày, ít nhất 80 người ngã bệnh ở quận Shajoy, nằm ở phía đông của tỉnh, và 2 trẻ em đã thiệt mạng. Các bác sĩ cho biết, các triệu chứng chính là sốt nặng và chảy máu từ miệng, mũi.
Hôm 13/9, tờ Hasht e Subh của Afghanistan đã đưa tin về một đợt bùng phát dịch tả trong tỉnh. Vào thời điểm đó, khoảng 500 trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận, chủ yếu ở khu vực phía bắc và đông bắc Zabul. Tuy nhiên, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 29 quốc gia đang trải qua đợt dịch tả năm nay, trong đó có 13 nước không bùng dịch vào năm ngoái.
Đợt dịch bắt đầu ở Afghanistan vào tháng 6, sau đó lan sang Iran, Iraq, Pakistan và Syria. Các đợt bùng phát tiếp theo ở Caribe, Châu Phi, Trung Đông và Nam Á, do hàng loạt quốc gia trải qua hạn hán, lũ lụt và xung đột vũ trang.
Nhóm dân cư lớn phải di chuyển, mất khả năng tiếp cận với nước sạch và các thiết bị vệ sinh. Hàng trăm nghìn người bị bệnh, gây sức ép lên nguồn cung vaccine mà các cơ quan y tế toàn cầu đang phân phối.
Theo các chuyên gia, trung bình mỗi năm có 20 quốc gia ghi nhận ca bệnh. Trong khi đó, năm nay ít nhất 29 nước đã tuyên bố dịch tả bùng phát. WHO gọi đây là hiện tượng "chưa từng có".
"Tả là căn bệnh có thể gây tử vong trong vòng một ngày, nhưng cũng dễ dàng điều trị. Việc chữa bệnh nhanh chóng là rất quan trọng", Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Tả là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae tiết ra độc tố gây tiêu chảy nhiều nước, dẫn đến mất nước, hiểu niệu và trụy tuần hoàn. Bệnh thường lây nhiễm qua nguồn nước ô nhiễm, thức ăn hoặc động vật có vỏ.
Ước tính mỗi năm, thế giới ghi nhận từ 1,3 đến 4 triệu trường hợp nhiễm bệnh, từ 21.000 đến 143.000 ca tử vong. Những trường hợp triệu chứng nặng cần can thiệp nhanh bằng kháng sinh hoặc truyền dịch.
Hòa Bình (lược dịch)