Bộ trưởng Giáo dục: "Sửa Thông tư 30 phải tạo được hứng khởi cho thầy cô"
Áp dụng máy móc dẫn đến phản ứng
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết tinh thần chung của viêc sửa đổi Thông tư 30 sắp tới?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thông tư 30 và cả mô hình trường học mới VNEN là những nội dung cụ thể thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được nêu tại Nghị quyết 29 của BCH TƯ. Thông tư 30 là cách đánh giá nhân văn, toàn diện, không chỉ chuẩn kiến thức năng lực mà còn đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh qua thời gian.
Qua thực tiễn áp dụng, chúng ta đã thấy được tác dụng tích cực. Học sinh năng động, sáng tạo hơn. Song thực tế cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, phần lớn thuộc về chủ quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:Chính việc áp dụng máy móc không phù hợp với thực tiễn đã dẫn đến phản ứng như thời gian vừa qua. |
Thông thường, một một mô hình đánh giá mới thì phải thí điểm từng bước để rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng. Nhưng Thông tư 30 lại được áp dụng đại trà ngay, dẫn đến bộc lộ nhiều hạn chế gây bức xúc trong xã hội.
Chẳng hạn, việc chuyển từ đánh giá bằng điểm sang đánh giá năng lực, sự tiến bộ của học sinh bằng những tiêu chí rất chung chung sẽ rất khó và vô hình trung tạo ra áp lực cho thầy cô.Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị khoa học độc lập khảo sát đánh giá một cách nghiêm túc những điều được và chưa được của Thông tư 30.
Căn cứ trên kết quả nghiên cứu này, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi Thông tư 30 với tinh thần: Những điểm mới, tốt, hợp lý thì phát huy; còn những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là chưa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh các địa phương thì phải điều chỉnh cho dễ hiểu, dễ thực hiện và quan trọng nhất là phải tạo được sự hứng khởi cho thầy cô.
Sẽ lượng hóa theo các mức A, B, C, D
- Việc sửa đổi sẽ được tiến hành như thế nào?
Việc sửa đổi nội dung Thông tư 30 vẫn đang được tiến hành. Có mấy điều cơ bản tôi yêu cầu phải sửa:
Thứ nhất, chuẩn kiến thức, chuẩn năng lực theo các khía cạnh là phải được nêu rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ.
Thứ hai, phải lượng hóa theo các mức độ để các cháu biết được sự tiến bộ qua thời gian.
Có thể các thầy cô không cho điểm cụ thể nhưng phải lượng hóa các mức A, B, C, D. Chúng ta cũng có thể không đánh giá từng ngày, gây áp lực cho thầy cô mà đánh giá theo chu kỳ 1 tháng hoặc 3 tháng để tổng hợp các khía cạnh năng lực, sự tiến bộ của học sinh và trao đổi với phụ huynh.
Cách tiếp cận là không “cầm tay, chỉ việc” mà chỉ đưa ra khung chuẩn để đánh giá. Như vậy, vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục trong toàn quốc và bậc tiểu học nhưng cũng mở ra cho thầy cô sự sáng tạo.
Chính việc áp dụng máy móc không phù hợp với thực tiễn đã dẫn đến phản ứng như thời gian vừa qua.
Hoàn tất sửa đổi trước năm học mới
- Khi nào có thể áp dụng thông tư đã sửa đổi, thưa Bộ trưởng?
-Tôi đang đề nghị các đơn vị của Bộ phải hoàn tất việc sửa đổi và ban hành ngay trong tháng 8 này, trước khi khai giảng năm học mới. Sau khi ban hành, các thày cô sẽ phải thực hiện Hiện tại, nhiều thầy cô vẫn ngại thay đổi và cũng không thay đổi được nên dẫn đến bức xúc.
Bậc tiểu học là bậc học nền tảng. Học sinh phải được học, được đánh giá một cách nhẹ nhàng, căn bản chứ không phải là nơi thí nghiệm các mô hình và cũng không phải là nơi để người lớn tranh luận với nhau.
Đổi mới không thể tốt ngay được mà cũng không thể tốt cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, tôi tin rằng xu hướng đánh giá theo Thông tư 30 có sửa đổi sẽ đi vào cuộc sống. Dần dần, học sinh, phụ huynh, giáo viên sẽ làm quen và việc đánh giá này sẽ trở thành bình thường.
- Một trong những vướng mắc của quá trình thực hiện Thông tư 30 là qua các cấp quản lý trung gian, nhiều khi việc triển khai chưa đúng tinh thần của thông tư. Bộ có chỉ đạo hay chế tài gì để khắc phục chuyện này?
- Tới đây, khi Bộ ban hành thông tư sửa đổi thì tất cả các sở, giáo viên phải thực hiện theo, không cần thêm cái gì nữa.
Quan điểm của tôi thông tư mới sẽ là khung để định hướng cho các thầy cô đánh giá; còn quá trình đánh giá thì các thầy cô có quyền sáng tạo.
Sau một thời gian thực hiện, nếu phát hiện bất cập, Bộ sẽ tiếp tục chỉnh sửa. Đổi mới phải có quá trình cọ xát, nhất là đổi mới với con người thì càng cần quá trình thực tiễn khảo nghiệm để chỉnh sửa, bổ sung theo hướng càng ngày càng gần với thực tế.
"Bộ còn cầm tay chỉ việc thì còn bức xúc"
- Sau nhiều năm thực hiện, ngay khi dự án mô hình trường học mới (VNEN) vừa kết thúc, tại sao lại có hiện tượng một số tỉnh dừng lại, không triển khai mô hình này nữa?
- VNEN là một trong những đổi mới về tổ chức dạy học, chuyển từ cách dạy truyền thống độc thoại sang cách dạy hiện đại năng động, sáng tạo, đúng theo tinh thần NQ 29 của BCH TƯ.
Thực tế qua các năm thí điểm cũng thấy được nhiều điểm tích cực.
Tuy nhiên, mô hình này cũng đã xuất hiện những bất cập mà chủ yếu là do chủ quan.
Đầu tiên, do điều kiện áp dụng VNEN ở các vùng miền địa phương rất khác nhau. Nhưng rất nhiều nơi tham gia đăng ký thực hiện, nhiều nơi thành phong trào dẫn đến bất cập, thậm chí là lãng phí, không thiết thực. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện còn cứng nhắc, nhiều trường nhiều địa phương miễn cưỡng thực hiện, dẫn đến phản ứng trái chiều.
Gần đây, một số tỉnh do công tác nhận thức tham mưu của các sở chưa nói hết được cái hay của VNEN cũng như điều kiện, cái hạn chế của địa phương đã đề nghị lên lãnh đạo địa phương áp dụng đồng loạt. Đó là một tư vấn không phù hợp, dẫn đến việc một vài địa phương quyết định tạm dừng mô hình này.
- Như vậy, chủ trương của Bộ là vẫn tiếp tục mô hình VNEN trong thời gian tới?
- Chủ trương của Bộ là phải sửa đổi. Tới đây, Bộ yêu cầu rút kinh nghiệm mô hình này, xây dựng khung để các trường, địa phương tham khảo.
Tùy theo điều kiện của từng trường, từng địa phương áp dụng các mức độ khác nhau.
Quan trọng nhất là các địa phương thấy việc áp dụng là phù hợp với mình, không đại trà, không ép buộc.
Nếu Thông tư 30 phải thực hiện thống nhất thì VNEN là mô hình mà địa phương thấy hay, thấy tốt thì sẽ dùng.
Tôi cũng rất mong chờ sự sáng tạo từ địa phương, cơ sở. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ quản lý mục tiêu giáo dục, khung chương trình chung còn vẫn tạo độ linh hoạt cho các trường sáng tạo, đổi mới. Chất lượng giáo dục chỉ thực sự tốt khi các thầy cô và các địa phương đổi mới sáng tạo.
Quan điểm của tôi là chừng nào Bộ còn tập trung vào chỉ đạo theo hướng “cầm tay, chỉ việc” thì chừng ấy còn nhiều bức xúc.
Vì vậy, tôi đang có chỉ đạo rất quyết liệt đổi mới trước hết là tư duy từ những người quản lý giáo dục, ngay từ Bộ GD-ĐT.
Đây là điều không đơn giản nhưng tôi hy vọng sẽ thực hiện được.
Khắc phục "ai có tiền, người đó làm dự án"
- Qua việc thực hiện mô hình VNEN, Bộ sẽ làm thế nào để khắc phục tình trạng khi có dự án đổi mới giáo dục thì các cơ sở tham gia tích cực, nhưng khi dự án rút đi, cơ sở cũng dừng luôn?
- Chúng ta sẽ khắc phục bằng cách tiếp cận theo chương trình thay vì tiếp cận dự án như trước kia.
Chẳng hạn, để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT thì năm học mới, Bộ xây dựng 9 chương trình mới, căn cứ vào yêu cầu của từng chương trình sẽ rà soát lại các dự án, tránh trùng lặp.
Đồng thời, chúng tôi cũng xác định phân biệt rất rõ đâu là trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ, đâu là của địa phương, còn lại là “xã hội hóa”.
Căn cứ để cho mọi người tham gia vào giáo dục là phải có quy hoạch và có chương trình. Như vậy sẽ khắc phục được căn bản hiện tượng ai có tiền thì người đó sẽ làm dự án.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hạ Anh – Lê Văn (Thực hiện)/Nguồn VNN