Bộ trưởng Công thương: “Tâm trạng khó tả mỗi lần tăng giá điện”
Trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" tối 4/8 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời những thắc mắc của người dân về cú tăng giá đúp mặt hàng điện, xăng dầu vừa qua .
Chưa đầy 3 tuần, hai mặt hàng thiết yếu tác động tới sản xuất và đời sống người dân là điện và xăng dầu đều “nối đuôi” nhau tăng giá đã thực sự gây bức xúc trong dư luận. Nêu quan điểm của cơ quan điều hành, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, trước quyết định tăng giá điện Bộ Công thương đều rất khó xử. “Một mặt thực tâm không muốn tăng giá điện bởi biết rằng tăng giá sẽ ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, đời sống nhân dân. Tuy nhiên, không thể không tăng bởi hiện nay giá điện đang thấp hơn so với giá kinh doanh, ngành điện thì lỗ”- Bộ trưởng Hoàng trần tình.
![]() |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Dù không muốn tăng giá điện nhưng không thể không tăng do mặt hàng này đã bị neo giá quá lâu từ tháng 12/2012 |
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với thực tế hiện nay, lẽ ra giá điện phải được điều chỉnh sớm hơn chứ không phải là bây giờ, vì mặt hàng này đã bị “neo giá” quá lâu từ tháng 12/2012, trong khi thông số đầu vào chi phí của ngành điện giá xăng dầu, giá than, chi phí khác tăng lên rất nhiều.
“Thời điểm tính toán điều chỉnh phải làm sao không tác động lớn đến đời sống đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng nếu kéo dài quá thì tình hình tài chính của ngành điện lại càng khó khăn, tiếp tục lỗ và sẽ không vay được vốn đầu tư của các ngân hàng kể cả với các công trình điện. Tôi nghĩ rằng, khi người dân đã hiểu được sẽ rất thông cảm” – Bộ trưởng Hoàng mong sự cảm thông của người dân.
![]() |
Giá điện đã tăng thêm 5% từ ngày 1/8 |
Bộ trưởng cũng lưu ý, dù tăng giá điện nhưng với đối tượng người nghèo, các gia đình chính sách vẫn giữ không thay đổi và việc hỗ trợ 30.000 đồng mỗi tháng cho một hộ nghèo về tiền điện vẫn giữ như hiện nay.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo Nghị định 84 đây là mặt hàng được kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
“Về nguyên tắc giá xăng dầu của thế giới tăng thì giá trong nước cũng cần phải tăng và giá thế giới giảm chúng ta cũng phải giảm. Vì vậy có thể nói chúng ta phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và vì thế việc chúng ta giãn hay là chúng ta dồn điều chỉnh giá xăng dầu là một ý kiến chủ quan trong khi đó điện có cơ chế khác” – ông nói thêm.
Liên quan tới vấn nạn hàng giả hàng nhái đang tràn ngập thị trường, đặc biệt đối với mặt hàng mũ bảo hiểm, phân bón... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận do sự yếu kém của công tác quản lý thị trường thời gian qua.
Chỉ ra nguyên nhân khiến nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, trước hết là do hàng phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng được nhâp từ nước ngoài vào trong khi đường biên giới của chúng ta lại rất dài nên việc kiểm soát cũng khó khăn.
Ngoài ra, về mặt kinh tế, đối với những cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh chất lượng phân bón kém, phân bón không đảm bảo theo yêu cầu lợi nhuận lớn hơn số tiền xử phạt, vì vậy nếu không có tính răn đe đủ sức thì sẽ tiếp tục vi phạm.
Thứ 3 là vấn đề xã hội, những cư dân ở biên giới nơi nạn buôn lậu nhiều hàng hóa, trong đó có cả phân bón giả vẫn tiếp diễn. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng ta trong công tác xóa đói giảm nghèo giải quyết việc làm cho đồng bào ở những khu vực biên giới như đã nói.
Đề xuất hướng giải quyết hiệu quả, người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh tới công tác xây dựng khuôn khổ pháp lý, phải có quy định thật chặt chẽ để tránh những kẻ hỡ pháp lý đáng tiếc.
Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm, ông cũng nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền, bởi đây không phải là lỗi của người dân mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.