Bệnh viện Ung bướu: Phải tiêu hủy 267 viên thuốc đặc trị ung thư là do BHYT?
![]() |
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được UBND TP phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ phi dự án do Công ty Bayer South East Asia Ptc.Ltd tài trợ 200 hộp thuốc Nexavar (60 viên/hộp) trị giá tương đương 23.600.010.000 đồng. Đối tượng nhận thuốc Nexavar là bệnh nhân nghèo mắc bệnh biểu mô gan, biểu mô thận, bệnh nhân được hưởng viện trợ 50% và phải chi trả 50%.
200 hộp thuốc được bệnh viện nhập kho 2 đợt vào tháng 11/2013 và tháng 12/2014. Ngày 1/7/2015, bệnh viện có công văn về việc thuốc viện trợ Nexavar tồn 439 viên, hạn dùng 7/9/2015 cần được giải quyết và hướng xử lý sớm trước khi thuốc hết hạn. Phía Công ty Bayer không có công văn phúc đáp. Ngày 7/11/2016, bệnh viện đã phối hợp với Công ty Môi trường đô thị tiêu hủy 267 viên thuốc Nexavar với lý do hết hạn sử dụng.
Kết luận thanh tra cho thấy, ngoài việc gửi văn bản cho Công ty Bayer, Bệnh viện Ung bướu chưa tích cực tìm hướng xử lý khác đối với thuốc Nexavar gần hết hạn sử dụng, dẫn đến việc lượng lớn thuốc tồn (267 viên với giá trị 286.641.855 đồng) hết hạn phải tiêu hủy là lãng phí hàng viện trợ.
Trao đổi với phóng viên, dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Cố vấn khoa Dược, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, chương trình viện trợ thuốc Nexavar nhiều năm trước đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 1/2015, BHYT bắt đầu thay đổi chính sách chi trả.
![]() |
Thuốc Nexavar được bán trên thị trường với giá dao động từ 500 - 600.000 đồng/viên |
Trước đây, bệnh nhân được BHYT thanh toán từ 80-100% giá thuốc. Từ năm 2015, loại thuốc này chỉ được chi trả 50%, bệnh nhân phải chi 50% giá một viên thuốc (khoảng 500.000 đồng/viên). 2/3 bệnh nhân đã ngừng dùng loại thuốc này vì không đủ khả năng. Do lượng bệnh nhân giảm nên xảy ra tình trạng dư thuốc và bệnh viện phải hủy thuốc vì hết hạn sử dụng.
Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết: “Trước khi hủy thuốc, bệnh viện đã gửi công văn cho nhà tài trợ để họ nắm tình hình và có phương án chuyển thuốc qua bệnh viện khác cho bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, đó là tình hình chung, tại các bệnh viện khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đây là lần đầu tiên, bệnh viện phải hủy bỏ thuốc vì hết hạn”.
Nexavar là biệt dược gốc có chỉ định cho bệnh nhân ung thư biểu mô gan và thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân phải sử dụng thuốc trong một thời gian liên tục và kéo dài với liều lượng mỗi ngày 4 viên (tương đương 1 triệu đồng/ngày đối với bệnh nhân có BHYT).
Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, tùy loại thuốc mà hạn sử dụng trung bình từ khoảng 1-2 năm và không có chuyện thuốc viện trợ thì hạn sử dụng ngắn hơn. Bởi vì khi đề xuất nhập thuốc, được sự chấp thuận của Cục Quản lý Dược thì bệnh viện mới báo cho phía Công ty dược lên kế hoạch sản xuất. Lô thuốc nhập về phải luôn có hạn sử dụng sát với ngày Cục Quản lý Dược cấp phép và phải còn hạn trên 12 tháng khi về tới Hải quan.
Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện đều than thở vì quy trình thủ tục nhập thuốc viện trợ quá lâu và phức tạp, mỗi bước kéo dài từ 3-4 tuần lễ. Từ khi bệnh viện lên kế hoạch dự trù lượng thuốc cần dùng đến khi phải gửi đề nghị, công văn qua rất nhiều cấp: Cục Quản lý dược, Sở Y tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, UBND TP, Sở Tài chính, Hải quan...
Dược sĩ Ngọc Dung khẳng định: “Đối với các loại thuốc đã lưu hành lâu năm tại Việt Nam, nếu các khâu đều trơn tru thì nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng, đó là bệnh viện phải theo sát từng khâu mới được như vậy. Có lần, vướng ở một vài khâu nên một loại thuốc viện trợ tại bệnh viện đã phải mất 4 tháng rưỡi”.
Chính thời gian, thủ tục quá dài và phức tạp khiến các bệnh viện xảy ra tình trạng phải nhập thuốc về khi hạn sử dụng còn quá ngắn dẫn đến lãng phí nguồn tài trợ mà người bệnh lại không có thuốc để điều trị.