Bắt buộc hiến máu 1 năm một lần: Chỉ là giải pháp giả định
![]() |
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế |
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khi đưa ra đề xuất dự thảo trên, những nhà làm luật đưa ra cả các yếu tố giả định để dư luận góp ý, chọn ra phương pháp tốt nhất.
TS Quang khẳng định: "Với phương án 1 trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc mới đây của Bộ Y tế, giải pháp bắt buộc công dân hiến máu mỗi năm một lần chỉ là phương án giả định để so sánh với phương án được chọn lựa để đưa vào luật. Khi đưa các phương án vào, chúng tôi phải tính đến đại diện yếu tố đạo đức, kinh tế, văn hóa... để đánh giá tác động".
Khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao lại lấy trường hợp giả định là bắt buộc, ông Quang thừa nhận, đưa ra trường hợp giả định này chắc chắn sẽ gặp phải phản ánh trái chiều từ dư luận. Nhưng để khẳng định giải pháp hiến máu tình nguyện thì phải đưa ra giả định này thì người dân mới hiểu hết được ý nghĩa, tác dụng của hiến máu tình nguyện.
Ông Quang cũng cho rằng, đưa ra hai giải pháp này nhưng về phía Bộ Y tế vẫn chọn giải pháp hiến máu tình nguyện chứ không phải là đề xuất bắt buộc hiến máu mỗi năm một lần như báo chí đã giật tít gây dư luận không tốt.
Theo Bộ Y tế, máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các cá nhân. Do vậy, để bảo đảm đủ máu cho công tác điều trị cũng như bảo đảm an toàn truyền máu thì cần có chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này.
Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc trình Quốc hội xem xét và phê duyệt nhằm khắc phục được tình trạng thiếu máu để phục vụ cho hoạt động điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.