Bác sĩ đi làm thêm: Vì sao không nghỉ tại BV công ra tư nhân làm?
PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết để yêu nghề, gắn bó với nghề và nuôi sống được gia đình thì bản thân ông vẫn phải duy trì một phòng mạch tại nhà
Bác sĩ cũng cần có kinh tế, khi thu nhập chính từ cơ quan không đủ để trang trải. PGS Dũng cho biết ông không phải đi dạy thêm tại các cơ sở đào tạo y khoa, làm dịch thuật. Hiện nay, công việc này đã giảm hơn trước nhưng đó là công việc của rất nhiều bác sĩ đã từng làm để duy trì cuộc sống của mình.
PGS Dũng cho rằng qua trường hợp 4 bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thành phố Thủ Đức không rõ hoàn cảnh, tình hình như thế nào nhưng chắc chắn lãnh đạo bệnh viện không cho bác sĩ đi ra ngoài làm thêm và bác sĩ đã 'vượt rào'. Việc 'vượt rào' này cũng không thể hoan nghênh vì trong trường hợp cần cấp cứu, cần bác sĩ sẽ thiếu cho bệnh viện.
Tuy nhiên, PGS Dũng cho biết, cần thay đổi chính sách cho nhân viên y tế. Nếu bác sĩ 'vượt rào' thì giúp gia đình họ có cuộc sống tốt hơn nhưng có thể ảnh hưởng tới người bệnh., còn người không dám 'vượt rào' thì cứ nghèo.
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng đều phải “chân trong, chân ngoài” họ mới duy trì được cuộc sống. Có bác sĩ đi làm phòng mạch tư, bệnh viện tư, có bác sĩ bán hàng thậm chí buôn bán khác để duy trì cuộc sống của họ.
Theo BS Nam, thực tiễn là như vậy nhưng hiện nay không có giám đốc bệnh viện nào ký giấy cho bác sĩ của mình ra ngoài làm thêm trong giờ hành chính.
PGS Nam cho rằng việc duy trì phòng khám bên ngoài cũng thuận lợi cho bệnh nhân vì nhiều bệnh viêm hô hấp, viêm dạ dày… có thể khám ngay thay vì chờ đợi cả buổi ở bệnh viện công. Mọi công việc của bác sĩ đều là phục vụ người bệnh tốt hơn.
Quan điểm của PGS Nam là thu nhập tạm đủ sống từ khám bệnh, thì công việc trong bệnh viện của các thầy thuốc sẽ tốt hơn. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy: ở bệnh viện nào, khoa nào nhân viên y tế có cuộc sống tốt thì hiện tượng hối lộ, phong bì hay quà cáp nhũng nhiễu bệnh nhân hầu như không có.
Còn ở những nơi đời sống nhân viên y tế không được đảm bảo thì hiện tượng đó xảy ra và là một vấn nạn nhức nhối đối với những thầy thuốc có lương tâm.
Tuy nhiên, về lâu dài bác sĩ không nên làm việc ở cả hai nơi, ban ngày làm bệnh viện nhà nước chiều lại đi làm thêm ở phòng khám ngoài giờ.
Với bài toán kinh tế và xã hội như hiện nay thì đây là giải pháp tối ưu, nhưng thật ra cũng chỉ có một số ít nhân viên y tế được làm thêm ngoài giờ tại những cơ sở đông bệnh nhân, còn phần nhiều thời gian làm thêm chỉ kéo dài chừng 2-3 giờ.
Nhiều ý kiến cho rằng tại sao thu nhập và điều kiện làm việc như ở các cơ sở y tế công lập có nhiều khó khăn như vậy sao nhiều nhân viên y tế không bỏ hẳn ra ngoài làm ở các bệnh viện tư.
PGS Nam cho rằng, hiện nay đang có một làn sóng ngầm nhưng chuyển động khá mạnh là sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ y tế công sang y tế tư nhân.
Có một số lý do mà một số nhân viên y tế còn ngại khi chuyển dịch là sự không công bằng trong chính sách của nhà nước, trong cái nhìn của người dân và hành lang pháp lý bảo vệ của pháp luật với y tế tư nhân.
Ví dụ: làm giám đốc bệnh viện công thì không thấy nói đến thâm niên công tác, không thấy nói đến chứng chỉ hành nghề giám đốc, còn ở bệnh viện tư thì phải có những chứng chỉ này.
Một thầy thuốc hành nghề ở cơ sở y tế tư nhân phải xin chứng chỉ hành nghề và chỉ có giá trị 5 năm, sau đó phải xin lại với biết bao quy định khắc khe, còn một bác sĩ mới ra trường thì lại hành nghề thoải mái ở bệnh viện công mà không cần bất kỳ chứng chỉ nào.
Đó cũng là một lý do khiến nhiều bác sĩ trẻ quyết tâm bám bệnh viện nhà nước dù phải làm gần như là không công.
Khánh Chi