Ngoài 30 tuổi đi như bà cụ: Bác sĩ chỉ ra thủ phạm
Tìm tới bác sĩ khám, chị Đỗ Thị Nhung (36 tuổi, trú tại thành phố Bắc Ninh) than thở hai năm nay chị không thể đi lại được vì đau đầu gối. Chị Nhung cao 1,55 mét, nặng 78 kg.
Chị Nhung đã uống rất nhiều thuốc giảm đau nhưng không đỡ, đi lại hàng ngày đều phải vịn cầu thang, đi làm ngồi trên xe nhưng xuống xe đi vào văn phòng cũng khó khăn.
Bác sĩ cho biết toàn bộ khớp gối và sụn chêm của chị Nhung thoái hoá như người trên 60 tuổi và yêu cầu bệnh nhân phải giảm thêm 20% trọng lượng của cơ thể trong 6 tháng.
Cũng giống với chị Nhung, anh Trần Đức Hà (38 tuổi, trú Thanh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng khổ sở vì đầu gối đau không đi lại được. Anh Hà nặng 107 kg, cao 1, 68 mét. Vì béo quá nên hơn 1 năm nay anh bị đau đầu gối. Nhiều đêm anh nằm ôm đầu gối cảm giác đau, đầu gối nóng ran vô cùng khó chịu.
Theo TS BS Tăng Hà Nam Anh – nguyên Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, thoái hoá khớp gối là gánh nặng trên cả thế giới không riêng gì Việt Nam. Người ta ước tính có 23% người trên 40 tuổi có thoái hoá khớp gối. 100% người bệnh trên 60 tuổi bị thoái hoá khớp gối. Thoái hoá khớp gối là quá trình lão hoá theo thời gian, khi sụn bắt đầu mòn theo thời gian nó sẽ có hiện tượng viêm, tế bào sụn chết đi có hiện tượng viêm.
Trong đó, béo phì tăng nguy cơ 4-5 lần mắc bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt khớp gối. Thoái hóa khớp xảy ra ở người béo phì do yếu tố cơ học. Từ tuổi 35 trở đi đa số mọi người đều tăng cân đặc biệt là tích mỡ bụng. Thói quen ăn uống làm cho lượng mỡ tăng nhanh nhưng ít được bạn quan tâm. Tình trạng béo phì ngày càng gia tăng hơn khi đó khớp gối chịu ảnh hưởng nặng nề.
TS Nam Anh cho biết khi đứng, trọng lực cơ thể đè lên khớp gối. Khi bước đi thì trọng lượng dồn hết vào chân trụ. Khi người bệnh bước lên cầu thang thì khớp chịu áp lực và sụn chêm cũng bị ảnh hưởng. Leo cầu thang đi lên đi xuống hàng ngày khiến khớp gối “hỏng” từ từ.
Ngoài áp lực của trọng lượng cơ thể, khớp gối còn lão hoá theo tuổi. Người béo phì còn rối loạn chuyển hoá mỡ, hàm lượng choleterol tăng lên, ảnh hưởng cả lên tim mạch và mắc kèm đái tháo đường. Như vậy, béo phì làm ảnh hưởng lên toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, xơ vữa mạch vành… khiến cho bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối nhanh hơn.
Vì vậy, điều trị khớp gối, người bệnh không chỉ kiểm soát cân nặng họ còn phải kiểm soát đái tháo đường, mỡ máu.
Với bệnh nhân béo phì đi khám xương khớp, bác sĩ thường khuyên họ phải giảm cân. TS Nam Anh cho biết, thực tế nhiều bệnh nhân đến khám có số cân nặng dư quá nhiều phải điều trị giảm béo trước. Chỉ cần giảm được 2, 3 cân/tháng họ cũng nhận thấy khớp gối giảm đau hơn, giảm số lượng thuốc người bệnh phải dùng. TS Nam Anh cho rằng kiểm soát cân nặng là giảm số thuốc bạn phải uống.
TS Nam Anh nhấn mạnh lên cân rất dễ nhưng giảm cân cực kỳ khó, không có thuốc, thực phẩm chức năng làm giảm cân. Các thuốc chỉ giảm hình thành mỡ chứ không giảm cân ngay được. Để kiểm soát cân nặng, cần tập luyện thường xuyên và kiểm soát lượng ăn uống hàng ngày.
Khánh Chi