Bác sĩ da liễu chỉ ra sai lầm việc 'tiện lúc nào, bôi dưỡng ẩm lúc ấy'
Những ngày này, 50% bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương bị khô da, trong số này có tới ½ là bị khô da nứt nẻ.
Bôi kem dưỡng ẩm lúc nào mới đúng? |
Bôi kem sai thời điểm, tắm sai cách
Miền Bắc đang trong những ngày mùa đông rét mướt, khí hậu khô hanh, độ ẩm thấp. Đây cũng là thời điểm khiến một số bệnh có căn nguyên từ khô da “bùng phát”.
Đứng đầu trong số này mà hầu hết người dân đều gặp phải là khô da, tiếp đến là bệnh viêm da cơ địa, vảy nến, gầu…TS Vũ Nguyễn Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (BV Da liễu Trung ương) cho biết, trong những ngày lạnh, tổng số bệnh nhân đến khám không tăng, tuy nhiên số bệnh nhân bị khô da lại chiếm đến 50% số người đến khám, trong số này có tới ½ là bị khô da, nứt nẻ.
“Đối tượng khám nhiều nhất là các em bé dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh, người già trên 70 tuổi”, TS Minh thông tin.
Giải thích về nguyên nhân khiến khô da, nứt nẻ hay gặp vào mùa đông, TS Nguyễn Minh cho rằng, da là bộ phận bên ngoài bảo vệ cơ thể, độ ẩm, nước trong cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào làn da, vì thế khi thời tiết hanh khô thì sẽ mất nước nhanh hơn, do chênh lệch nhiệt độ.
Đặc biệt, trẻ em da mỏng còn người già nồng độ nước trong da thấp nên hai nhóm đối tượng này da dễ bị khô, nứt nẻ, chảy nước, thậm chí là không thể ngủ được.
Do đó, các bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyến cáo trong mùa đông khô hanh, việc dưỡng ẩm cho da là cần thiết. Tuy nhiên cần lưu ý nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm được cấp phép tránh sử dụng hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến da, đặc biệt là trẻ nhỏ.
“Mùa đông, vấn đề dưỡng ẩm và tăng độ ẩm cho da là quan trọng nhất, để làm được điều đó thì bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên là rất quan trọng nhưng cần phải biết cách bôi.
Cách bôi đơn giản nhất là bôi dưỡng ẩm thật kỹ, thật dầy sau khi tắm xong. Lúc đó da chúng ta có độ ẩm cao thì lau khô người rồi bôi kem dưỡng ẩm là thời điểm tốt nhất để da ngấm các hoạt chất dưỡng ẩm”, TS Minh cho hay.
Tuy nhiên, theo quan sát của TS Minh, cách bôi kem dưỡng ẩm đơn giản là vậy nhưng mọi người lại không thực hiện mà thường “tiện lúc nào thì bôi lúc ấy”.
Ngoài việc bôi kem dưỡng ẩm theo TS Minh cách tắm cũng vô cùng quan trọng. Bởi thông thường mùa đông có ghét, có gầu nhiều hơn nên mọi người tắm nước ấm thường tắm rất kỹ để chà sát hết gét, hết gầu, da chết trên da ...
“Việc làm này tưởng tốt nhưng lại làm tăng độ khô da nhanh hơn sau khi tắm. Vì tắm quá kỹ hoặc nước tắm quá nóng nó sẽ làm loại trừ các chất dưỡng ẩm và chất lipit tốt ở trên da”, TS Minh cảnh báo.
Do đó, để có làn da không khô ráp, nứt nẻ ngoài việc bôi kem dưỡng ẩm mọi người cũng không nên tắm nước lạnh (dễ bị cảm, đau đầu, ốm) cũng không được tắm nước quá nóng. Đặc biệt nên tắm nhanh nhất có thể để đỡ bị tổn thương da cũng như mất hết chất lipit ở da.
Mặt loang lổ sau khi bôi kem trộn làm đẹp
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết anh thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh tổn thương do sử dụng kem trộn làm đẹp.
Bội nhiễm vì chữa nẻ sai cách
Không chỉ khô da, nhiều trường hợp còn bị nứt gót chân, chảy máu. TS Minh giải thích với những trường hợp này thường do gen, bản chất da người đó đã khô rồi nhưng thời tiết hanh khô mùa đông thì độ khô da càng nhiều, nên càng chăm sóc nhiều hơn.
Có thể với người này việc dùng dưỡng ẩm thông thường không có tác dụng, mà phải dùng dưỡng ẩm có nồng độ cao hơn thì mới có thể cải thiện được điều đó.
TS Minh cho biết, bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị bội nhiễm do chữa khô da, nứt nẻ sai cách. Trong đó có không ít bệnh nhân đến viện với những phần da chảy nước, sưng nề… do đắp lá, ngâm nước lá, nước tự chế để chữa nứt nẻ.
Lại có trường hợp viêm da cơ địa, khô da nhiều người tự ý mua thuốc chứa Corticoid điều trị. Điều này cũng gặp những tác dụng phụ khó lường. Bởi loại thuốc có chứa thành phần Corticoid phải được bác sĩ kê đơn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa đây là những cách chữa khô da, nứt nẻ sai lầm khá phổ biến hiện nay. Để phòng bệnh, mỗi người nên bổ sung cho cơ thể đầy đủ nước (khoảng 1,5-2,5 lít nước tùy theo cân nặng), các khoáng chất, vitamin và chất béo không bão hòa. Bổ sung thực phẩm chứa omega-3 (như cá hồi, cá bơn, cá mòi, ngũ cốc nhiều dầu…), a xít béo thiết yếu có thể giúp da khỏe mạnh.
Ngoài giờ làm việc, cần có thời gian thư giãn để tái tạo tế bào, cần ngủ đủ giấc, tập thể dục và tăng chất lượng cuộc sống, vui vẻ yêu đời và không thức quá khuya. Sự căng thẳng làm rối loạn tiết dầu ở da. Ngủ không đủ giấc khiến da mờ xỉn, mất vẻ tươi sáng.
Thường xuyên dưỡng ẩm cho da, đặc biệt người dân nên giữ ấm cho da trong thời tiết giá rét, mặc quần áo ấm và bằng sợi bông tự nhiên (cotton). Len, sợi tổng hợp, hoặc các loại vải khác có thể gây ngứa và khó chịu cho da khô.
Không nên dùng lò sưởi nhiệt điện suốt đêm ngày vì nó làm bốc hết hơi nước trong không khí, tốt hơn nên dùng sưởi bằng hệ thống nước nóng. Nên dùng máy tạo độ ẩm trong văn phòng và phòng ngủ của để giữ cho da khỏi bị khô. Nếu không có máy tạo độ ẩm có thể đặt một bát nước gần nguồn nhiệt để giữ cho độ ẩm trong không khí.
N. Huyền
6 cách chăm sóc da mùa đông
Theo bác sĩ Lương Trường Sơn – phòng khám da liễu Đông Diều, thời tiết mùa đông ở miền Bắc lạnh, khiến làn da của mọi người thường khô, rát, nẻ nhiều hơn...