Bắc Ninh: Hai sản phẩm OCOP được tham gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao
Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh vừa có quyết định phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt 62 sản phẩm của 31 chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2022. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng.
Trong số các sản phẩm, huyện Tiên Du có 15 sản phẩm của 6 chủ thể; huyện Thuận Thành có 14 sản phẩm của 8 chủ thể; thành phố Từ Sơn có 12 sản phẩm của 4 chủ thể; thành phố Bắc Ninh có 6 sản phẩm của 4 chủ thể...
Đáng chú ý, 2 sản phẩm thịt xào mắm ruốc PTK và mắm tép chưng thịt PTK của Công ty Trách nhiệm hữu hạn PTK 879 Việt Nam, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được tham gia nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao.
Mắm tép chưng thịt PTK đạt chứng nhận 4 sao vào năm 2020. Theo giới thiệu của đơn vị sản xuất sản phẩm, nguyên liệu chính được sử dụng là mắm ruốc đặc trưng của vùng miền Huế, thịt heo được cung cấp bởi các đối tác hàng đầu Việt Nam đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Quy trình chế biến đều được khép kín, toàn bộ nhà xưởng, máy móc và dụng cụ sử dụng trong khâu chế biến đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mắm tép chưng thịt PTK được dùng để ăn kèm với cơm nóng, xôi trắng, bún, bánh tẻ, bánh mì… tạo ra hương vị đậm đà, đặc biệt khó quên.
Mắm tép chưng thịt PTK không chỉ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm ngon và chất lượng, mà trong nhiều năm qua sản phẩm đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển, nâng tầm thương hiệu Việt, đưa đặc sản Việt Nam ra thế giới.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 57 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố.
Chương trình OCOP là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương. Trọng tâm của chương trình này là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nổi bật ở mỗi địa phương; giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Khi được công nhận sản phẩm OCOP, đây cũng là căn cứ tin cậy để người tiêu dùng an tâm về chất lượng sẩn phẩm địa phương. Mặt khác thông qua chương trình OCOP các sản phẩm có điều kiện ưu tiên hỗ trợ bằng những chính sách tốt, đặc biệt, được đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm.
Khôi Nguyên