Ba luật về giáo dục đang thể hiện sự manh mún, đứt đoạn, chồng chéo
![]() |
Một mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, học nghề đang đến gần. |
Đó là quan điểm của LS Đinh Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội về thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay. Infonet đã có cuộc trò chuyện với LS Đinh Anh Tuấn về những việc cần làm để cải cách giáo dục.
Ngắn gọn về cải cách giáo dục
- Là một luật sư và cũng là một nhà báo, chúng tôi thấy ông có nhiều bài viết về đề tài cải cách giáo dục. Vì sao ông tâm huyết với đề tài này?
LS Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội): Từ ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông tôi đã rất ghét những tiết học, những môn học lý thuyết suông. Tôi bị xếp vào loại học sinh cá biệt, bởi tiết nào không thích học thì tôi ngồi quậy. Sau này ra đời làm nhiều nghề, tôi nhận ra học nặng về lý thuyết không chỉ gây mất hứng thú cho người học, mà còn làm cho họ thiếu đi các kỹ năng khi đi vào cuộc sống.
- Theo ông thì cải cách giáo dục, nói ngắn gọn, là gì?
Cương quyết bỏ phương pháp kinh viện, thầy đọc trò chép. Cương quyết cắt bớt những kiến thức quá lạc hậu hoặc quá hàn lâm trong sách giáo khoa. Hãy để người học phát huy tính chủ động, sáng tạo, thông qua thảo luận trong những giờ học lý thuyết, tăng thêm những giờ học thực hành. Đây chẳng phải tôi nói, nhiều chuyên gia giáo dục nói như thế mãi rồi.
- Nên bắt đầu từ thay đổi sách giáo khoa hay thay đổi phương pháp giảng dạy, thưa ông?
Nên bắt đầu từ công tác lập pháp. Chủ trương cải cách giáo dục phải đi từ cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý, đến nhà trường, người dạy, rồi mới đến người học. Cần sửa đổi, bổ sung, hợp nhất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục. Có thế mới giúp quản lý nhà nước về giáo dục thống nhất, hiệu quả, với bộ máy đỡ cồng kềnh.
Hợp nhất ba luật làm một?
- Ông nói cụ thể hơn về việc hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật?
Tôi đã đọc ba đạo luật về giáo dục, gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Bức tranh về quản lý giáo dục của ta đang được phản ánh qua ba luật này. Nó đang bị manh mún, đứt đoạn, chồng chéo. Theo tôi, để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về giáo dục, cần hợp nhất cả ba luật, hoặc chí ít cũng cần hợp nhất Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Ông có thể cho biết điểm giống nhau giữa các luật về giáo dục?
Về cơ bản tôi thấy chúng giống nhau y chang. Ví dụ Điều 68 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định “Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học” gồm 12 khoản cụ thể; khoản 2 Điều 71 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định “Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” cũng gồm 12 mục cụ thể. Cả 12 cái khoản hoặc mục đó hoàn toàn giống với 12 khoản của Điều 99 Luật Giáo dục 2005 (có tên là “Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục”).
- Thế còn điểm khác nhau?
Nói về khác nhau, thì chỉ ở những chi tiết nhỏ nhặt. Chẳng hạn Khoản 2 Điều 100 Luật Giáo dục năm 2005 quy định “Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục”; Khoản 2 Điều 69 Luật Giáo dục đại học quy định “Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học”;
Khoản 2 Điều 71 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp”.
![]() |
Luật sư Đinh Anh Tuấn. |
Người học sẽ được hưởng lợi!
- Việc người ta phân định thành 03 luật cũng phải có cơ sở chứ, thưa ông?
Tôi chưa nhìn ra cái “cơ sở” đó ở đâu cả. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, và giáo dục đại học. Nếu nói giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có những đặc thù cần những quy định chi tiết ở hai đạo luật riêng, vậy giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cũng có những đặc thù, sao lại không có hai đạo luật riêng cho hai cấp học này?
- Giáo dục nghề nghiệp hiện đang do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) nắm giữ. Có lẽ vì thế mà cần một đạo luật riêng để phù hợp với thực tế quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chứ, thưa ông?
Trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, có đề ra mục tiêu cần giao công tác quản lý các trại tạm giam, trại cải tạo về cho Bộ Tư pháp. Khi Bộ Chính trị đề ra chủ trương đó, công tác quản lý các trại tạm giam, trại cải tạo đang do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng nắm giữ. Phải có sự thay đổi, thì mới gọi là cải cách chứ!
Mặc dù hiện nay Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn đang quản lý các trại tạm giam, trại cải tạo, song theo quan điểm của đông đảo chuyên gia pháp luật, nếu giao cho Bộ Tư pháp quản lý trại giam, quyền con người, quyền công dân của những người bị tạm giam hoặc bị phạt tù sẽ được bảo đảm hơn.
- Theo ông thì phải chăng cần giao công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp về cho Bộ GD&ĐT?
Điều này chẳng có gì mới, vì các nước họ đều làm thế. Tôi không nói Bộ GD&ĐT quản lý giáo dục nghề nghiệp giỏi hơn Bộ LĐ,TB&XH. Cả hai Bộ đều đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, ai làm cũng tốt cả.
Tuy nhiên, nếu giao giáo dục nghề nghiệp về cho Bộ GD&ĐT, bộ máy của Tổng cục Dạy nghề sẽ gọn hơn, do Bộ GD&ĐT đã có sẵn Pháp chế, Thanh tra, Khảo thí, Quản lý sinh viên, Quản lý giáo viên… và người được hưởng lợi là người dân phải đóng thuế, bởi số tiền chi tiêu lãng phí sẽ giảm đi. Mặt khác, Bộ GD&ĐT quản lý giáo dục nghề nghiệp sẽ bảo đảm tính thống nhất, tính liên thông giữa các cấp học, ngành học, người được hưởng lợi sẽ là người học.
- Như vậy, việc hợp nhất ba bộ luật là tiền đề của cải cách giáo dục?
Vấn đề không đơn giản như vậy. Tôi nói đến việc hợp nhất ba bộ luật là nhằm nhấn mạnh công tác lập pháp. Không chỉ hợp nhất, mà còn phải sửa đổi, bổ sung các luật này, đây là đề tài rất rộng, xin được bàn đến ở dịp khác. Khi có bộ luật hợp nhất, văn bản hướng dẫn thi hành có thể chia nhỏ, chẳng hạn có nghị định riêng về mầm non, nghị định riêng về phổ thông, nghị định riêng về đại học, và nghị định riêng về dạy nghề. Việc chia nhỏ như vậy tạo thuận lợi cho các nhà trường trong việc áp dụng luật.
- Theo ông việc có nhiều đạo luật về giáo dục như hiện nay nói lên điều gì?
Không thể nói khác được, điều này cho thấy tính manh mún, thiếu thống nhất trong quản lý nhà nước về giáo dục.
- Nếu được góp ý sửa đổi Luật Giáo dục, ông sẽ kiến nghị điều gì?
Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước. Điều tôi vừa nói là toàn văn Điều thứ 15 Hiến pháp năm 1946 của nước ta.
- Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!