ASEAN cần đoàn kết để đối phó dịch Covid-19
Tính tới ngày 26/3 trên toàn thế giới, dịch Covid-19 đã gây bệnh cho gần 500.000 người và khiến hơn 21.000 người tử vong. Hệ thống y tế mỗi quốc gia đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, trong bối cảnh các đường biên giới quốc tế đã bị phong tỏa.
Dịch Covid-19 đang là thách thức lớn với các nước ASEAN. (Ảnh: Reuters) |
Chia sẻ với Bangkok Post, Phó Giáo sư Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan nhận định, các quốc gia Đông Nam Á cần đoàn kết với nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại thay vì chia rẽ.
Trải qua nhiều biến cố chính trị trong hơn 52 năm qua, ASEAN đã tự chứng minh khả năng ứng phó tự cường. ASEAN cũng dần khẳng định vị trí là trung tâm của châu Á và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền hòa bình và ổn định của khu vực thông qua việc thành lập và dẫn dắt các cơ chế hợp tác như Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 1989 cho tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và gần đây là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Tuy nhiên, chưa bao giờ ASEAN phải đối mặt với một tình huống khó như dịch Covid-19 lần này. Bởi dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng trong khi một số nước trong khu vực bị đánh giá có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém.
Hiện tại, Thái Lan ghi nhận hơn 1.000 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong khi Malaysia xác nhận số ca nhiễm bệnh là gần 1.800.
Quốc gia 270 triệu dân là Indonesia báo cáo gần 800 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Philippines có 110 triệu dân và có số ca mắc Covid-19 là dưới 1.000. Còn số ca mắc Covid-19 tại Campuchia, Lào và Myanmar là khoảng vài chục người. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thế giới, tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 là từ 3 – 4%.
Đáng nói, khả năng nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các nước ASEAN chưa được khai báo. Do đó, trong những tuần tới, khu vực này có thể chứng kiến số người mắc Covid-19 tăng nhanh. Với ASEAN, khu vực sinh sống của 660 triệu dân, Covid-19 hiện là mối đe dọa hiện hữu đặc biệt là đối với một số nước có hệ thống y tế kém phát triển như Campuchia, Lào và Myanmar. Song đối với Thái Lan, 3 nước Campuchia, Lào và Myanmar đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nền kinh tế Thái Lan dựa vào những lao động nhập cư tới từ 3 quốc gia trên.
Lâu nay, các nước ASEAN nắm vị thế địa chính trị quan trọng cùng tiềm năng phát triển lớn khi nằm giữa Đông Băc Á, Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình là hơn 5%. Thị trường nội khối bao gồm yếu tố dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng giúp đẩy mạnh sức mua.
Vậy nếu dịch Covid-19 diễn biến mất kiểm soát, ASEAN sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Theo đánh giá, dịch Covid-19 đang tạo ra làn sóng bệnh ở các nước và có nguy cơ bùng nổ trở lại sau một thời gian lắng dịu. Dịch bệnh sẽ khiến hệ thống y tế công cộng bị ảnh hưởng đầu tiên, sau đó kéo theo kinh tế và xã hội từ chỗ tái điều chỉnh xã hội sau thời gian cách ly vì bệnh dịch cho tới sự suy thoái của kinh tế và khả năng sụp đổ toàn bộ. Nói cách khác, mức độ tác động của dịch Covid-19 sâu và rộng tới đâu còn phụ thuộc vào phản ứng của chính phủ các nước trên toàn thế giới.
So với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 – 1998 tại Đông Nam Á, dịch Covid-19 có thể còn tạo ra tác động xấu hơn. Trở lại những năm 1990, nền kinh tế các nước Đông Nam Á mà đặc biệt là Thái Lan và Indonesia còn được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế. Còn tại thời điểm này, IMF có thể sẽ không sẵn sàng và sự hỗ trợ cũng không đủ để ASEAN vực dậy tăng trưởng và tái khôi phục nền kinh tế.
Do đó, về tối thiểu, điều mà các nước thành viên ASEAN cần làm là minh bạch thông tin và hợp tác điều phối. Cụ thể, các nước ASEAN cần thông báo chính xác số ca mắc Covid-19 và tiến hành xét nghiệm số lượng lớn hơn. Một số quốc gia thành viên như Malaysia, Philippines và Thái Lan đã áp đặt triệt để lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Biện pháp này được cho là nên được áp dụng với toàn khối ASEAN trong một giai đoạn nhất định.
Singapore là nước đi đầu trong việc thi hành các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 như cấm di chuyển và cách ly xã hội. Và những kinh nghiệm trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Singapore có thể là ví dụ điển hình để các quốc gia khác học hỏi. Gần đây, Thái Lan và Malaysia cũng đã triển khai tương tự. Đối với Việt Nam, quốc gia giữ ghế Chủ tịch ASEAN, cũng đang nỗ lực không ngừng để ngăn dịch bệnh lây lan. Thậm chí, Việt Nam còn cho xuất khẩu các kit xét nghiệm Covid-19 sang nước ngoài để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Theo ông Thitinan, ASEAN cần giải quyết cả 3 lớp thách thức. Thứ nhất, mỗi nước thành viên ASEAN cần chặt chẽ giám sát và giải quyết các ca mắc Covid-19 trong lãnh thổ quốc gia. Thứ hai, toàn ASEAN cần phải ứng trước dịch Covid-19 theo cách của một khu vực thống nhất như chia sẻ thông tin và các chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn bệnh dịch quay trở lại. Cuối cùng, ASEAN cần tìm cách loại bỏ những yếu tố bên ngoài lợi dụng dịch Covid-19 để chia rẽ ASEAN. Bởi theo ông Thitinan, nếu như không đoàn kết, Covid-19 có thể hủy hoại toàn bộ những thành tựu mà lâu nay ASEAN dày công mới đạt được.