An ninh bệnh viện: Tự cứu mình hay cầu cứu Bộ Y tế và công an?
![]() |
An ninh bệnh viện còn bị bỏ ngỏ |
Siết chặt an ninh
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, ngày 07/5/2017, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được báo cáo của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về sự việc tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hoan nghênh Bệnh viện đã có biện pháp kịp thời cứu chữa người bệnh và báo cáo xử lý nhanh về Bộ Y tế.
Cục quản lý Khám Chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an địa phương điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với người đã tổ chức, hành hung người bệnh trong vụ việc trên.
Tăng cường lực lượng bảo vệ, các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cần thiết để kịp thời xử lý khi có tình huống tương tự. Đảm bảo nhân lực làm công tác an ninh trật tự bệnh viện là lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp được đào tạo theo đúng quy định; phân công đủ nhân viên bảo vệ trực thường xuyên 24/24h, tăng cường thêm lực lượng trong các tua trực đêm.
Tuy nhiên “cái khó” của bệnh viện khi rơi vào tình huống này là bị động, một mình phía bệnh viện phải đối phó không đủ. Ông Khoa cho rằng bệnh viện phải lập kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện.
Xây dựng và diễn tập quy trình phản ứng nhanh đối với các đối tượng nhập viện cấp cứu có nguy cơ gây rối an ninh trật tự bệnh viện và có giải pháp chủ động phòng ngừa mất an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và tài sản bệnh viện.
Ông Khoa nhấn mạnh, bệnh viện phải phối hợp với công an địa phương xây dựng Quy chế phối hợp để thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong bệnh viện.
Hội thảo an ninh bệnh viện không được quan tâm
Sau trường hợp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, câu chuyện an ninh bệnh viện lại nóng lên. Thực trạng mất an ninh tại bệnh viện, đe dọa đến sự an nguy của y - bác sĩ, quyền lợi chính đáng của bệnh nhân gần như diễn ra ở khắp nơi mà chưa có giải pháp hiệu quả, đồng bộ.
Nếu bản thân các cán bộ y tế không yên tâm, chắc chắn hiệu quả khám - chữa bệnh sẽ không cao. Cuối cùng thiệt thòi vẫn chính là người bệnh.
Và cũng phải nói đến một điều hiển nhiên, lực lượng bảo vệ bệnh viện đang rất mỏng và một số nơi bảo vệ còn thiếu chuyên nghiệp, khó có thể bảo đảm an ninh khi có những sự cố xảy ra tại đây.
Trong khi đó, mới đầu tháng 4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế” do đích thân Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chủ trì, có rất nhiều lãnh đạo các bệnh viện không tham dự.
Thứ trưởng Tiến đã ái ngại mà nói rằng: “Khi có vấn đề về an ninh, các bệnh viện cầu cứu hết công an, chính quyền rồi Bộ, tuy nhiên lại vắng mặt trong buổi hội nghị quan trọng này”.
Trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trường hợp ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ trở thành bài học cảnh giác cho tất cả các đơn vị y tế bởi với nhóm đối tượng gần 20 người có hung khí lao vào bệnh viện thì rất khó có thể chống đỡ được.
GS Tiến cũng nhấn mạnh, đây không chỉ là bài học cảnh giác cho bệnh viện mà ở tất cả các đơn vị, nó nói lên một xã hội bất an, chỉ vì xích mích mà sẵn sàng mang dao đi chém giết người khác.
Thống kê của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện.
Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ 70%, điều dưỡng 15%.
Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…