An Giang: Buôn lậu thuốc lá có diễn biến phức tạp
![]() |
Thuốc lá lậu bị bắt giữ (Ảnh minh họa) |
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Anh Xuân – Phó Trưởng Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Bùi Nhật Tiến – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể chính trị - xã hội, thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh và trên 140 đại biểu là đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, các đồn biên phòng, MTTQ và Công an 18 xã, thị trấn có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia cùng tham dự. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận về những hệ lụy của thuốc lá nhập lậu đối với ngành thuốc lá và sự phát triển kinh tế; thực trạng thuốc lá nhập lậu trên địa bàn, thuận lợi khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu; Hệ lụy của thuốc lá nhập lậu đối với ngành công nghiệp thuốc lá và kinh tế xã hội.
Một số đề xuất kiến nghị trong công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu với các cán bộ mặt trận tại các địa phương; Ngoài ra, các xã biên giới cũng thông tin thêm về công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tiếp tay cho buôn lậu qua biên giới; về việc hỗ trợ giải quyết việc làm để người dân không tham gia buôn lậu;...
Phát biểu tại hội nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang chưa có chiều hướng giảm, vẫn diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi; chúng cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây trong, ngoài địa bàn khu vực biên giới; tổ chức lực lượng vận chuyển chuyên nghiệp và hoạt động rất chặt chẽ.
Thuốc lá điếu được vận chuyển qua biên giới tập trung vào chiều tối, từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau, quá trình vận chuyển luôn có người canh coi, theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ, khi vận chuyển nếu hàng hóa bị bắt thì phải đền bù nên các đối tượng sẵn sàng cướp giật lại hàng khi bị bắt giữ.
Các chủ đầu nậu không trực tiếp vận chuyển mà thuê người vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ, vì vậy rất khó bị bắt giữ, nếu có bị bắt giữ thì đa phần chưa đủ định lượng để truy tố; quá trình giao nhận hàng thường ở những nơi vắng, ít người qua lại và có nhiều đường để tẩu thoát; các địa điểm này cũng thường xuyên thay đổi, đặc biệt các đối tượng không chứa thuốc lá trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống, vắng người sau đó cắt cử người trông coi, canh giữ, khi bị phát hiện thì các đối tượng nhanh chóng chạy thoát thân bỏ lại hàng hóa, phương tiện nên rất khó khăn trong việc bắt giữ đối tượng cùng tang vật thuốc lá; nếu có bắt được đối tượng cùng tang vật cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, vì trị giá hàng hóa bắt giữ thấp.
Nói về nguyên nhân buôn lậu thuốc lá có chiều hướng tăng, lãnh đạo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, do sự không thống nhất trong các văn bản pháp lý xử lý tội danh buôn lậu thuốc lá, nên tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu có chiều hướng gia tăng mạnh và diễn biến hết sức phức tạp.
“Buôn lậu vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận cao, trốn tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu 135%. Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy”, lãnh đạo hiệp hội Thuốc lá cho hay.
Trong khi đó, đối tượng buôn lậu chủ yếu là nhóm cư dân buôn giới không có việc làm ổn định, thông thạo ngôn ngữ, địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu, xuyên qua lại biên giới... khi bị lực lượng chức năng bắt giữ sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để cướp hàng.
Theo thống kê của Hiệp hội thuốc Thuốc lá Việt Nam, trung bình 6 tháng, lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây lên đến 225 triệu bao.
Trong khi đó, báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của An Giang và Long An, hai tỉnh có hoạt động buôn lậu thuốc lá rầm rộ nhất tại biên giới Tây Nam, số thuốc lá lậu thu giữ được chưa tới 2 triệu bao.