ABBank phải bồi thường hơn 230 tỷ vì dừng hợp tác bảo hiểm nhân thọ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 Ngân hàng An Bình (ABBank) ngày 28/4, bà Lê Thị Bích Phượng, quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, năm 2022 ngân hàng phải chi 233 tỷ đồng phí bồi thường hợp đồng do dừng hợp tác với đối tác bảo hiểm nhân thọ.
Năm 2016, ABBank và FWD ký thoả thuận hợp tác bán chéo sản phẩm, thời hạn 15 năm. Năm 2022, ABBank đã chấm dứt sớm hợp đồng và ký kết với đối tác khác Dai-ichi Life. Bà Phượng cho biết, hợp tác với đối tác mới, doanh thu phí bảo hiểm tăng gấp đôi.
Tại Đại hội, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, ngân hàng vừa thất thu phí bảo hiểm nhân thọ, vừa phải bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho đối tác là những nguyên nhân chỉ hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Năm 2022, ngân hàng đạt 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi kế hoạch đề ra là 3.079 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch ABBank, việc phát sinh chi phí bồi thường với đối tác bảo hiểm do đơn vị này không đáp ứng được quyền lợi cho các khách hàng.
“Chúng ta vừa mất doanh thu từ bảo hiểm, đồng thời mất chi phí bồi thường. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, tôi xin nhận trách nhiệm trước ĐHĐCĐ đã không lường trước được việc này nên HĐQT đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không sát với thực tế”, ông nói.
Tại đại hội, cổ đông bày tỏ lo ngại những lùm xùm liên quan đến bancassurance có thể sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu phí bảo hiểm năm 2023, qua đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng.
Ông Đào Mạnh Kháng nói, năm 2022 ngân hàng không nhận được phí bảo hiểm trả trước như những năm trước. Trong bối cảnh NHNN yêu cầu kiểm soát hoạt động bảo hiểm, ABBank với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm nên không ép buộc khách hàng mua sản phẩm mà họ không muốn mua.
“Chỉ khi khách hàng có nhu cầu thì chúng ta mới chào mua bảo hiểm, chứ không ép khách hàng. Thực ra hôm nay chúng ta ép khách hàng mua bảo hiểm thì ngày mai khách hàng sẽ không quay lại. Chúng ta không bán những gì đang có mà phải hiểu nhu cầu khách hàng để chọn giải pháp cho phù hợp”, ông Kháng nói.
Đồng thời, ông cho rằng, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm hữu ích nhưng ngân hàng chỉ mời chào đúng những người cần.
Tuân Nguyễn