9X bỏ việc ngân hàng khởi nghiệp làm đồ da bò thủ công
Anh Lê Như Thám (sinh năm 1991) kể, anh đam mê đồ da từ khi còn là học sinh. Cách đây 7 năm, trong một lần tìm mua dây da đồng hồ, anh chợt nảy ra ý tưởng sản xuất, kinh doanh đồ da bò thủ công.
“Lúc đó dây da đồng hồ bị hư, tôi đi tìm mua dây da thay thế nhưng thấy thị trường đồ da thật không có nhiều mẫu mã, giá lại cao nên tôi mới nghĩ tại sao mình không thử sản xuất, kinh doanh xem, làm đồ da thủ công bền, đẹp nhưng giá cả bình dân hơn”, anh Thám nói.
Ý tưởng khởi nghiệp, nuôi mộng làm chủ của anh bắt đầu nhen nhóm từ năm 2015. Anh bắt tay vào là tìm nguồn da, sau đó lên ý tưởng, thiết kế và thuê nhân công cắt, may.
“Thị trường da bò có rất nhiều loại như da bò sáp, Pull-up, da bò Vegtan, da bò milll… Khâu tìm nguồn da mất khá nhiều thời gian do phải tìm được nguồn da chuẩn thật, phù hợp cả về độ dày, chất liệu bền, chịu được với thời tiết Việt Nam…” anh Thám cho hay.
Giai đoạn đầu khởi nghiệp, do không có nhiều vốn nên anh cũng hạn chế thuê nhân công. Hầu như các công đoạn anh đều tự tay làm, kể cả cắt may thủ công.
Sản phẩm do anh thiết kế mang phong cách cổ điển, sang trọng. Khi làm xong sản phẩm, anh thử đăng trên các hội nhóm đồng hồ, facebook và bất ngờ nhận được nhiều đơn đặt hàng.
Cơ hội kinh doanh mở ra, anh thiết kế và liên tục đưa ra nhiều mẫu mã để test, sau đó thuê thêm nhân công. Những mẫu nào được khách hàng ưa chuộng, bán chạy sẽ sản xuất với số lượng lớn hơn. Sản phẩm chủ yếu được bán trên các kênh online, các trang thương mại điện tử.
Ban đầu là dây da đồng hồ, sau đó anh cho ra đời hàng loạt sản phẩm khác như ví da, thắt lưng, túi xách, bao da zippo, dây máy ảnh, giày da, phụ kiện điện thoại… Tính đến nay Ram Leather đã tung ra thị trường hơn 500 mẫu sản phẩm và tất cả đều tự tay anh Thám thiết kế.
Anh Thám duy trì song song cả hai công việc trong khoảng thời gian 3 năm, buổi ngày làm ngân hàng, buổi tối lại bắt tay vào công việc mà mình đam mê.
Theo anh Thám, thời gian đầu nghề ngân hàng giúp anh nuôi sống đam mê. Tiền đầu tư mua máy móc, nhập nguyên vật liệu, thuê nhân công đều từ tiền lương, tiền tích luỹ.
Vì thế anh cố gắng duy trì 2 công việc. Mất khoảng 1 năm, công việc sản xuất kinh doanh sản phẩm da bò thủ công mới bắt đầu có lợi nhuận.
“Công việc ngân hàng vốn đã bận rộn, cộng thêm cả kinh doanh nữa nên hầu như hôm nào tôi cũng thức đến 2-3h sáng mới đi ngủ. Công việc khá cực nhưng mỗi một sản phẩm làm ra giống như đứa con tinh thần của mình. Nhìn ngắm chúng tôi lại quên hết mệt mỏi”, anh Thám nói.
Năm 2018, anh Thám chuyển vào Đà Nẵng công tác và sinh sống. Đây cũng là thời điểm anh quyết định từ bỏ công việc ngân hàng để tập trung cho việc kinh doanh khởi nghiệp.
“Giữa hai con đường tôi chỉ có thể chọn một. Tôi chọn bỏ việc ngân hàng vì công việc áp lực cao, căng thẳng. Mặc dù tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ, vẫn nhận được bằng khen nhưng tôi không có thời gian để chăm sóc cho bản thân nữa. Khởi nghiệp đồ da tôi được theo đuổi đam mê, có sự nghiệp riêng, thoải mái thời gian và thu nhập tốt hơn. Thu nhập hàng tháng gấp 5-6 lần hồi làm ngân hàng”, anh Thám tiết lộ.
Sau 7 năm khởi nghiệp, hiện Ram có 1 cửa hàng ở Đà Nẵng và 8 đại lý tại Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Huế, TP.HCM... Chỉ riêng cửa hàng tại Đà Nẵng mỗi tháng bán ra gần 2.000 sản phẩm.
Có được như ngày hôm nay, anh Thám cho rằng, Ram Leather may mắn ra đời đúng thời điểm mà giới trẻ có xu hướng chuộng những thứ mộc mạc, giản dị. Phong cách của Ram được giới trẻ, người mê đồng hồ đón nhận.
“Có nhiều khách hàng nói chỉ cần cầm sợi dây đồng hồ là biết ngay của Ram”, anh Thám nói.
Bên cạnh đó, sản phẩm có giá bình dân nhưng được làm từ chất liệu da bò thật nhập khẩu, bền chắc, được bảo hành từ 1-2 năm. Mỗi sản phẩm chỉ có giá từ gần 100 nghìn đồng, cao nhất hơn 2 triệu đồng nên tiếp cận được nhiều khách hàng, nhất là trong độ tuổi từ 20-35 tuổi.
“Ngay từ đầu tôi xác định làm sản phẩm giá rẻ, bền, đẹp nên mỗi sản phẩm làm ra không có lãi nhiều, thay vào đó đẩy số lượng để bù lại. Khi đưa ra một mẫu sản phẩm, tôi thường sản xuất với số lượng từ 100-1.000 mẫu. Tôi sản xuất sẵn, chấp nhận đọng vốn nhưng đổi lại khách hàng không mất thời gian để chờ đợi sản phẩm, đảm bảo thời gian nhận hàng, giao hàng”, anh Thám nói.
Xưởng sản xuất của anh có 5 nhân viên và đóng tại Huế. Theo anh Thám, người Huế có tay nghề, khéo léo và rất cẩn thận đáp ứng được yêu cầu của Ram Leather. Các sản phẩm phải được thực hiện tỉ mỉ qua từng công đoạn thiết kế, cắt, may tay thủ công, nhuộm… Đó là lý do mà anh chọn để xưởng sản xuất tại đây.
Ngoài ra, anh Thám cho rằng thị trường đồ da hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt, nhất là với hàng giá rẻ Trung Quốc.
“Thời trang thay đổi mẫu mã hàng ngày, mỗi sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo riêng. Vì vậy mình phải luôn dành thời gian để thử nghiệm sản phẩm, cải tiến mẫu mã, độ bền cho sản phẩm. Sản xuất đồ da thủ công như trò chơi sáng tạo không ngừng”, anh Thám nói.
Nói về dự định sắp tới, anh Thám cho biết, cuối năm nay anh sẽ mở thêm kho hàng ở TP.HCM, Hà Nội giúp thời gian vận chuyển hàng hoá nhanh hơn. Bên cạnh phát triển đại lý sẽ mở các cửa hàng chính hãng để giới thiệu, phát triển sản phẩm.
Trong quá trình khởi nghiệp, chàng trai trẻ nhận ra rằng, điều quan trọng nhất không phải là đi nhanh mà là đi xa. Nếu chạy theo đồng tiền, khi thua lỗ sẽ rất nhanh chán nản, còn khi xác định làm vì đam mê thì có khó khăn đến đâu vẫn cố gắng, đi được dài hơn, cứ từ từ từng bước rồi sẽ thành công.
Diệu Thuỳ