Chàng kỹ sư công nghệ khởi nghiệp trồng rau thông minh
Là kỹ sư công nghệ thông tin, anh Nguyễn Tấn Phương chưa từng nghĩ mình lại khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, vào năm 2015-2016, anh Phương nhận làm một số dự án về công nghệ cho các khu nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình tiếp xúc, tìm hiểu, anh đam mê với nông nghiệp lúc nào không hay và quyết định sẽ khởi nghiệp trong lĩnh vực này một cách quy mô, bài bản. Anh tìm gặp các chuyên gia, tham quan các mô hình để học hỏi quy trình vận hành, kỹ thuật trồng rau thuỷ canh, dưa lưới. Sau đó anh thuê 1.000m2 đất ở huyện Củ Chi (TP.HCM) để trồng rau thử nghiệm.
Thành công khi trồng thử nghiệm, đầu năm 2017 anh quyết định quay về Đà Nẵng làm nông nghiệp.
“Với mong muốn trước hết là mang đến cho gia đình, người thân, bạn bè những bữa ăn có rau sạch, an toàn nên tôi quyết định về Đà Nẵng. Nếu khởi nghiệp không thành công, không bán được rau thì ít ra người thân của mình vẫn được ăn rau sạch”, anh Phương cười nói.
Anh đem hết vốn liếng tích góp, cùng với một người em đầu tư mua đất, lắp đặt nhà màng, máy móc, hệ thống thuỷ canh, nhập phân bón, cây giống để trồng. Nông trại Afarm với diện tích 3ha (tại xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang) chính thức ra đời, đi vào hoạt động.
Mặc dù quá trình trồng thử nghiệm thuận lợi, rau phát triển tốt thế nhưng khi đưa về Đà Nẵng, anh Phương gặp rất nhiều khó khăn.
“Do nhiệt độ, khí hậu khác nhau nên những loại rau đã chọn trồng thử nghiệm trước đó không thích nghi được. Tôi phải lựa chọn giống cây theo mùa và trồng những cây thích hợp với khí hậu ở Đà Nẵng để rau cho chất lượng tốt nhất. Cũng mất gần 2 năm chúng tôi mới hoàn thiện kỹ thuật, chăm sóc thành công”, anh Phương kể.
Tại Afarm, rau được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, khép kín, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ 4.0. Hệ thống tưới tiêu và kiểm soát nhiệt độ độ ẩm, ánh sáng hoàn toàn tự động. Khâu nhập giống, gieo trồng, phân bón đảm bảo 3 không: không thuốc trừ sâu, không biến đổi gen, không dư lượng Nitrat và kim loại nặng.
Vườn rau thuỷ canh đa dạng với 40 loại rau củ như xà lách, cải bó xôi, cải ngọt, rau muống, mồng tơi, rau dền…. Mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 200kg rau cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Đà Nẵng.
Đặc biệt, độc đáo ở Afarm là dịch vụ trồng rau hộ. Đây là một mô hình độc đáo, mà khách hàng giống như một người nông dân thực thụ. Từ việc chọn rau mong muốn sử dụng, quá trình trồng, chăm sóc, tưới nước, bón phân, thu hoạch, khách hàng có thể tham gia qua ứng dụng điện thoại.
Rau sẽ được gieo trồng theo yêu cầu của khách hàng và được giao tận nơi khi đến thời điểm thu hoạch.
Đến nay, đã có gần 200 khách hàng tham gia dịch vụ này với chi phí từ 600 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng.
Cứ 5 ngày rau được thu hoạch và giao tận nhà cho khách. Tuỳ vào gói dịch vụ, mỗi lần nông trại sẽ giao từ 2,5-5,5kg rau cho khách với các loại rau khác nhau.
“Chúng tôi không trồng ồ ạt, đại trà mà có kế hoạch, nhu cầu như thế nào trồng như thế đó để kiểm soát về số lượng, chất lượng. Về mặt kinh doanh có vẻ hơi mang tính nhỏ lẻ nhưng tôi xác định làm chậm nhưng chắc, quan trọng nhất là tạo uy tín, chất lượng sản phẩm. Làm nông nghiệp là khó khăn, vất vả, không thể có lãi nhanh được nhưng tôi thấy vui, hạnh phúc với con đường đang đi", anh Phương nói.
Nông trại của anh Phương hiện đang tạo việc làm cho gần chục lao động là người địa phương.
Về hướng đi sắp tới, anh Phương cho biết, anh đang thử nghiệm trồng rau theo hướng hữu cơ hiện đại để tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, giúp nhiều người có thể tiếp cận được nguồn rau sạch, chất lượng.
Bên cạnh đó, anh đang hoàn thiện công nghệ bột rau sấy lạnh. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài về sản phẩm bột rau sấy lạnh. Trong năm 2023 chúng tôi sẽ chính thức ra mắt sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu”, anh Phương chia sẻ.
Diệu Thuỳ